Gương nông dân làm giàu từ mô hình nuôi Dê nhốt chuồng ở Mường Sại

Gương nông dân làm giàu từ mô hình nuôi Dê nhốt chuồng ở Mường Sại

Xã Mường Sại huyện Quỳnh Nhai tỉnh Sơn La được biết đến là xã nghèo đặc biệt khó khăn của huyện. Những năm qua, cùng với phát triển chăn nuôi đại gia súc nhốt chuồng, nhiều người dân trên địa bàn xã cũng đã mạnh dạn thực hiện nuôi dê nhốt chuồng. Đây là mô hình mới, phù hợp với tiềm năng, lợi thế ở địa phương. Mô hình nuôi dê nhốt chuồng của gia đình ông Lò Văn Đoạn bản Nhả Sày, xã Mường Sại đã từng bước khẳng định được tính bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Gia đình ông Lò Văn Đoạn bản Nhả Sày xã Mường Sại trước đây thuộc diện khó khăn trong xã. Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế, chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi phù hợp theo định hướng của huyện. Năm 2018, ông Đoạn đã bàn bạc với vợ lấy số vốn tích góp của gia đình mua 10 con dê về nuôi. Giai đoạn đầu nuôi dê gặp nhiều khó khăn do chưa hiểu hết tập tính và kinh nghiệm chăm sóc dê nên dê ốm và chậm lớn. Những lúc như thế, ông Đoạn không bỏ cuộc mà tiếp tục mày mò, tìm hiểu nguyên nhân, ghi chép cẩn thận từng biểu hiện bệnh, cách phòng, trị bệnh, đúc kết kinh nghiệm trong thực tế nuôi và lựa chọn con giống khỏe về nuôi. Dần dần, nhờ chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật, đàn dê của gia đình đã không ngừng sinh sản và phát triển ổn định. Thấy dê dễ nuôi và phát triển nhông, đến năm 2019 ông Đoạn mạnh dạn vay vốn ngân hàng nông nghiệp 50 triệu đồng để tiếp tục sửa sang chuồng trại và đầu tư con giống và trồng thêm cỏ voi để làm thức ăn cho dê. Nhờ tích cực trong làm ăn chăn nuôi, đến nay mô hình nuôi dê của gia đình ông đã lên tới 50 con, trong đó hơn 40 con dê đực và 15 con dê cái.  Ông Đoạn chia sẻ: nuôi dê nhốt chuồng không khó nhưng đòi hỏi đức tính cẩn thận khi chăm sóc, xây dựng chuồng trại bằng tre hoặc gỗ, đảm bảo chuồng thông thoáng, tránh nắng nóng, mưa tạt, gió lùa. Mỗi gian chuồng cao khoảng 1 mét, rộng 1,2 mét và dài 1,3 mét; sàn chuồng cách mặt đất 0,5 đến 0,8 mét làm bằng gỗ bằng phẳng, để khe hở khoảng 1 đến 1,5 cm để phân lọt dễ dàng xuống đất. Thức ăn của Dê là cỏ voi, sắn, gạo, cám ngô và nhiều cây cỏ dại khác … Để phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, ông Đoạn cũng đã thực hiện phương châm 3 sạch cho đàn dê với “Ăn sạch, uống sạch và ở sạch”, làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại nhằm nâng cao sức đề kháng; thực hiện nhốt cách ly khoảng 2 tuần đối với những con dê có dấu hiệu bị bệnh để tránh lây lan mầm bệnh.

Ông Lò Văn Đoạn – bản Nhả Sày xã Mường Sại, Quỳnh Nhai, Sơn La cho biết:

   “Gia đình tôi nuôi dê từ năm 2018, luc đầu tôi mang thả ở rừng, đi lại khó khăn. Sau này, tôi làm chuồng trại, vợ chồng nuôi dê nhốt cho ăn cỏ voi, cho ăn lá sắn, mỗi năm cũng bán được 02 lần…”

Nhìn những chú dê mập mạp, khỏe mạnh mới thấy hết công sức của người nông dân này. Từ đàn dê mà kinh tế gia đình ông đã khấm khá lên nhiều, đã có của ăn, của để. Tích lũy cho mình vốn kinh nghiệm, ông Đoạn cũng sẵn sàng chia sẻ cho bà con nhân dân trong bản, trong xã cùng làm theo.

Ông Lò Văn Quyết, bản Nhả Sày xã Mường Sại, Quỳnh Nhai, Sơn La cho biết:

“Tôi thấy đồng chí Lò Văn Đoạn ở bản chúng tôi là một thành viên nông dân rất là tiêu biểu. Đồng chí đã học hỏi và làm một trang trại nuôi dê, bà con trong bản thấy hiệu quả của việc nuôi dê nhốt chuồng như gia đình đồng chí Đoạn nên cũng học hỏi. Bây giờ cũng nhiều người đang đầu tư để xây dựng nhiều trang trại hơn nữa.”

Ông Lò Văn Panh, Trưởng bản bản Nhả Sày xã Mường Sại, Quỳnh Nhai, Sơn La cho biết:

“Qua quá trình sáp nhập hai bản chúng tôi cũng đã tuyên truyền vận động bà con chuyển đổi mô hình trồng cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đến nay có hộ ông Lò Văn Đoạn thực hiện tốt mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng và bò, đảm bảo cung cấp cho nhu cầu của bản và thị trường. Mô hình phát triển tốt ông Đoạn cũng vận động gia đình trồng cỏ và tận dụng cây rừng tự nhiên đề phục vụ đàn dê phát triển.”

Hiện tại, số dê thịt gia đình ông nuôi đều được ông mổ móc bán cho các lò mổ với giá bán dao động ổn định từ 200 đến - 250.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí đầu tư, bình quân 01 năm mang về cho gia đình ông Đoạn nguồn thu nhập từ 70 đến 100 triệu đồng. Số tiền này, ông Đoạn tiếp tục nuôi thêm 15 con bò để nuôi cung cấp thực phẩm cho bà con trong và ngoài xã.

Ông Là Văn Hoàn, Chủ tịch Hội nông dân xã Mường Sại, Quỳnh Nhai, Sơn La cho biết:

“Đồng chí Lò Văn Đoạn là thành viên chi hội bản Nhả Sày. Trong những năm qua, đồng chí đã đi đầu gương mẫu trong chăn nuôi. Đặc biệt là nuôi nhốt và trồng cỏ trên đất dốc nuôi dê, nuôi bò. Đồng chí cũng đã vận động tuyên truyền hội viên trong bản học tập noi theo để phát triển kinh tế gia đình.”  

Có thể khẳng định, nhờ chăm chỉ tìm tòi học hỏi cái mới, không ngại khó ngại khổ, ông Lò Văn Đoạn trở thành một trong những người tiên phong làm giàu từ mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng ở xã Mường Sại huyện Quỳnh Nhai. Mô hình nuôi dê nhốt chuồng của gia đình ông là hướng đi phù hợp cho người dân địa phương nơi đây. Qua đó giúp bà con nông dân chuyển đổi kinh tế theo hướng đa cây, đa con để nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững./.

 

                          Điêu Chính Bước

                              Phòng Kinh tế - Hạ tầng

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập