Nông dân Chiềng Bằng làm giàu từ mô hình nuôi trâu bò nhốt chuồng

 

Trong những năm gần đây, xã Chiềng Bằng huyện Quỳnh Nhai tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con nhân dân phát triển kinh tế từ mô hình chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng qua đó đã mang lại nguồn thu nhập ổn định, thoát nghèo và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đến thăm mô hình chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng của hộ gia đình ông Lò Văn Mưu ở bản Khoan xã Chiềng Bằng, trước đây kinh tế của gia đình ông cũng chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc chỉ phục vụ cày kéo cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy đất đai rộng lớn, thuận lợi cho việc trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Cùng với nguồn vốn của gia đình cộng với vay 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Sơn La, gia đình ông đã đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 03 con bò để phát triển chăn nuôi theo mô hình nuôi nhốt. Đến nay đàn bò của gia đình ông đã phát triển lên thành 7 con, kinh tế gia đình cũng ổn định hơn so với trước đây.

Nhiều hộ dân xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai) làm giàu từ mô hình chăn nuôi trâu bò nhốt chuồng 

Ông Lò Văn Mưu, Bản Khoan xã Chiềng Bằng huyện Quỳnh Nhai chia sẻ:Được sự quan tâm của Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh cho vay vốn để phát triển mô hình nuôi trâu bò nhốt chuồng thì so với chăn thả như trước đây thì mô hình chăn nuôi trâu bò nhốt chuồng của gia đình tôi đang phát triển hiệu quả rất tốt, mong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm của Quỹ hỗ trợ nông dân được thêm vốn để phát triển mô hình”.

Còn đối với hộ gia đình ông Quàng Văn Quyết trước đây chỉ chăn nuôi trâu bò với quy mô nhỏ lẻ, thả rông ngoài đồng ruộng và chủ yếu để phục vụ cày cấy. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, nhận thấy hiệu quả từ nuôi trâu bò nhốt chuồng mang lại, gia đình ông đã vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh để thực hiện mô hình này. Ông cho biết, qua tìm hiểu mô hình này ưu điểm của nó là không tốn thời gian chăn dắt, đàn trâu, bò của gia đình không bị dịch bệnh, bên cạnh đó còn tận dụng được nguồn phân bón cho các loại cây trồng. Mỗi năm trừ chi phí, mô hình chăn nuôi trâu bò nhốt chuồng mang lại cho gia đình thu nhập từ 50 đến 60 triệu đồng.

Ông Quàng Văn Quyết, Bản Khoan xã Chiềng Bằng huyện Quỳnh Nhai cho biết:Trước đây chưa thực hiện thủy điện Sơn La thì có ruộng nước để cày cấy và thả rông trâu bò. Từ khi thực hiện thủy điện Sơn La di chuyển đến nơi ở mới thì gia đình tôi chuyển sang nuôi trâu bò nhốt chuồng. Đối với mô hình nuôi trâu bò nhốt chuồng thì phát triển hơn so với trước đây, hiệu quả kinh tế cũng cao hơn”.

Thực tế cho thấy, trâu bò nuôi nhốt chuồng tăng nhanh trọng lượng nhờ chế độ ăn uống tốt, có sức đề kháng cao, ít bị bệnh, chất lượng thịt ngon, ngọt, được thương lái ưa chuộng, bán được giá. Hiện nay, toàn xã Chiềng bằng  có 735 con trâu, 2.999 con bò, tập trung ở các bản Khoan, Ba Nhất, bản Ngáy, hầu hết đều được thực hiện theo mô hình nuôi nhốt. Từ hiệu quả mô hình nuôi trâu bò nhốt chuồng mang lại cho các hộ dân thu nhập từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Tòng Văn Tại, Chủ tịch Hội nông dân xã Chiềng Bằng huyện Quỳnh Nhai cho biết: “ Hội nông dân xã Chiềng Bằng đã triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả cao như mô hình nuôi cá lồng, mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc, mô hình chăn nuôi trâu bò nhốt chuồng. Trong đó thì mô hình chăn nuôi trâu bò nhốt chuồng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Hội nông dân xã Chiềng Bằng đã tạo điều kiện cho các hộ dân được tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển kinh tế hộ gia đình. Bên cạnh đó Hội nông dân xã Chiềng Bằng cũng tuyên truyền khuyến khích hội viên nông dân tận dụng các vùng đất trống, chuyển đổi sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn trong chăn nuôi và hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, chú trọng bảo vệ môi trường trong chăn nuôi”.

Mô hình nuôi trâu, bò theo hình thức nhốt chuồng ở xã Chiềng Bằng huyện Quỳnh Nhai đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Xã đang tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nhân rộng mô hình, tạo điều kiện về vốn để người dân đầu tư, chăn nuôi với quy mô lớn; vừa tạo kế sinh nhai cho bà con, vừa bảo tồn được giống bò bản địa truyền thống; từng bước giúp người dân chủ động hơn trong việc phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng./..

Bùi Đình Hải, Trung tâm TTVH huyện Quỳnh Nhai

Tác giả: Bùi Đình Hải
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập