- Đời sống văn hóa và phong tục tập quán:

Hiện nay, dân số huyện Quỳnh Nhai có 61.550 người (năm 2014). Người Thái chiếm đa số với tỷ lệ 81%; còn 19% là dân tộc khác, mỗi dân tộc có đặc điểm phong tục tập quán riêng. Những nét văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy như các điệu múa, âm thanh các nhạc cụ như đàn tính tảu, hồ nhị ... đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch - Chứng nhận: Nghệ thuật xòe Thái Sơn La - Được đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia (năm 2015); Chủ tịch nước công nhận 03 nghệ nhân văn hóa dân gian, góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa văn nghệ, nghệ nhân các dân tộc Việt Nam.

(Điệu múa nón thái do đội văn nghệ bản Nghe tỏng thể hiện)

(Các đội văn nghệ biểu diễn trong các sự kiện của huyện)

(Vòng xòe đoàn kết)

Di tích lịch sử, văn hóa, cảnh đẹp:

- Di tích lịch sử cây đa Pắc Ma (đã được phê duyệt di tích lịch sử theo Quyết định số 462/QĐ-UBND ngày 28/02/2007 của Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La): Cách đây 63 năm về trước, cây đa Pắc Ma thuộc bản Pắc Ma, xã Pắc Ma huyện Quỳnh Nhai, là cây mọc tự nhiên cách đường liên tỉnh 171 khoảng 300m trên một quả đồi. Trong thời kháng chiến chống thực dân Pháp, huyện Quỳnh Nhai có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự là bàn đạp vững chắc cho Đoàn quân Tây tiến chọc thủng phòng tuyến sông Đà vào giải phòng Lai Châu. Cây đa là một chứng tích thắng lợi của bộ đội ta trong chiến dịch Tây Bắc năm 1952, nhân dân địa phương thường gọi là cây đa Pắc Ma. Hiện nay cây đa vẫn vươn cao sức sống trên đồi, xung quanh mênh mông sông nước vùng lòng hồ thủy điện Sơn La.

(Toàn cảnh cây đa Pắc Ma, xã Pá Ma Pha Khinh)

(Cây đa Pắc Ma)

 - Công trình văn hóa tín ngưỡng:

Có Đền thờ Linh Sơn - Thủy từ và Nàng Han; vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc Quỳnh Nhai phải di chuyển dân tái định cư thủy điện Sơn La. Đầu năm 2012 để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tâm linh có từ lâu đời của nhân dân các dân tộc, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân trên địa bàn, huyện đã phục dựng lại Đền cách trung tâm huyện khoảng 05km góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa phi vật thể của các dân tộc Việt Nam. Đền thờ được khánh thành vào ngày 15/5/2012.

 

(Đền thờ Linh Sơn - Thủy Từ  và Nàng Han)

Về cảnh đẹp:

Với cảnh đẹp kiến tạo tự nhiên nên địa hình trùng điệp với nhiều dãy núi cao nhấp nhô, uốn lượn dưới chân là mặt hồ chạy dài theo hướng Bắc - Nam nằm ở bên trái của lòng hồ sông Đà tạo nên một cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ; bên cạnh những dãy núi cao là dãy núi thấp uốn lượn xen dần các thung lũng nhỏ hẹp. Giữa lòng hồ là các đảo nhỏ.

Diện tích mặt hồ thủy điện Sơn La là địa điểm lý tưởng cho những du khách thích khám phá cảnh sông núi, mặt hồ rộng, cảnh vật rất đẹp với những dãy núi hùng vĩ soi bóng xuống mặt nước rộng mênh mông

(Các dãy núi và đảo nhỏ lòng hồ thủy điện Sơn La)

Cây Cầu Pá Uôn:

Được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận cầu có trụ cao nhất, cầu Pá Uôn bắc qua hồ sông Đà là cây cầu có trụ cao nhất Việt Nam, nằm trên Quốc lộ 279 (thuộc địa phận xã Chiềng Ơn huyện Quỳnh Nhai). Đây là tuyến giao thông huyết mạch nối Sơn La với các tỉnh Tây Bắc khác như Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai. Cầu có tổng chiều dài 1.418m, chiều cao toàn cầu tính từ cao độ đáy sông lên đến cao độ mặt cầu là 103,8m. Hàng năm Lễ hội đua thuyền truyền thống được tổ chức tại chân cầu. 

(cầu Pá uôn)

Cột mốc đánh dấu huyện lỵ Quỳnh Nhai cũ:

Được xây dựng trên đồi Truyền hình thuộc xóm 3 xã Mường Chiên huyện lỵ Quỳnh Nhai cũ, sau khi Nhà máy thủy điện Sơn La đóng đập tích nước lòng hồ, với diện tích 80m2, phần kiến trúc bố trí biểu tượng đặc trưng của văn hóa của huyện Quỳnh Nhai. 

(Cột mốc đánh dấu huyện Quỳnh Nhai cũ)

Về danh lam thắng cảnh:

Chưa được được xếp hạng, đang lập hồ sơ nghiên cứu, theo Quyết định số 1011/QĐ-UBND ngày 28/4/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La về phê duyệt danh mục di tích lịch sử - văn hóa danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Sơn La đến hết năm 2015.

- Di tích danh thắng Na Lóm xã Chiềng Khay

- Di tích danh thắng Thẳm Mường xã Chiềng Khay

- Di tích danh thắng Mái đá Thẳm Đán Mom xã Chiềng Khay.

Lễ hội:

- Là quê hương của Lễ hội "Kin Pang thencủa dân tộc dòng Thái Trắng: Lễ hội mang tính cộng đồng cao với hình thức diễn sướng dân gian độc đáo; cầu phúc lộc cho làng, bản, dòng họ, gia đình và các con nuôi của Then đến tạ lễ. Thời gian tổ chức Lễ Kin Pang Then thường vào tháng Chạp hoặc Riêng hàng năm.

- Lễ hội Gội đầu của dân tộc Thái: Là lễ hội có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của bà con dân tộc Thái, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái mang tính nhân văn sâu sắc thân thiện con người với thiên nhiên. Khi hết một năm cũ chuẩn bị bước vào năm mới mọi người trong thôn bản đều phải gội đầu để rửa trôi những cái vất vả, bệnh tật, điều không may mắn của năm cũ, tống tiễn tai ương, nhọc nhằn, bệnh tật xuôi theo dòng nước (sông, suối), cầu mong năm mới tốt lành, gặp điều hay, làm ăn phát đạt. Lễ hội được tổ chức vào buổi trưa ngày 30 tết (hay còn gọi là ngày cuối cùng của năm cũ).

(Lễ hội gội đầu)

- Lễ hội đua thuyền truyền thống của dân tộc Thái: Là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng hết sức độc đáo và ý nghĩa lớn trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cao đẹp của dân tộc, cũng là lễ hội đặc trưng của cư dân vùng sông nước bên dòng sông Đà hùng vĩ, thể hiện sức mạnh chinh phục thiên nhiên, duy trì nét đẹp và bản sắc văn hóa truyền thống, tạo bầu không khí thi đua sôi nổi, đoàn kết dân tộc được tổ chức vào ngày (Mồng 10 tháng Giêng) hàng năm dưới chân Cầu Pá uôn. Bên cạnh nội dung đua thuyền, các trò chơi dân gian cũng được tổ chức trên bờ để tạo không khí sôi động cho người tham gia.

(Lễ hội đua thuyền)

- Lễ cúng vía trâu của dân tộc Thái: Với quan niệm con trâu là đầu cơ nghiệp của người nông dân, họ quan niệm sau mỗi vụ mùa màng cày bừa mệt nhọc, hàng năm cứ đến 14 tháng 7 Âm lịch, là tết “Xíp xí”, trước khi sẽ tổ chức ăn tết "Xíp xí" nông dân làm lễ cúng vía trâu, để chuẩn bị thả trâu vào rừng khu chăn nuôi đã được bản khoanh vùng và quy định, cầu mong cho con trâu trong thời gian thả trong rừng luôn mạnh khoẻ, không gặp nạn, chó sói, hổ ăn thịt, bệnh tât. Đến mùa sản xuất người dân lại đi tìm trâu về, tiếp tục cầy cấy cho vụ tiếp theo.

- Lễ hội “Kin Pang ả” của dân tộc Kháng: Đây là Lễ hội  thể hiện lòng biết ơn đối với Thầy cúng, thầy mo của những người đã được Thầy mo cầu cho mọi điều tốt lành trong cuộc sống thường ngày. Được tổ chức vào tháng Chạp hoặc Riêng hàng năm.

- Lễ hội “Xên bản, xên mường”của dân tộc Thái: Với quan niệm của người dân là đất có thổ công, sông có hà bá, con người sống có cộng đồng, dân cư, họ hàng, thành lập nên bản mường, để an cư lập nghiệp lâu dài. Chính vì vậy người ta tổ chức Lễ “Sên bản, Sên mường”cầu mong cho các thần linh phù hộ cho làng bản, cộng đồng người dân trong bản được mạnh khoẻ, bình an, hành phúc, làm ăn phát đặt, mùa màng bội thu. Tưởng nhớ đến những người đã có công khai phá xây dựng bản mường từ xưa, tạ ơn các thần linh, thần sông, thần núi. Được tổ chức vào tháng Chạp hoặc Riêng hàng năm.

 

- Lễ cấp Sắc của dân tộc Dao Đỏ: Là nghi lễ truyền phép thuật cho những người đàn ông làm chủ trong gia đình để sẵn sàng trừ ma diệt quỷ và được gọi là lễ Cấp sắc. Trong sinh hoạt xã hội và gia đình của người Dao “Cấp sắc” là một tục lệ phổ biến và bắt buộc tất cả đàn ông Dao đều phải qua lễ này, thậm chí lúc còn sống chưa được cấp sắc sau khi qua đời con cháu phải làm lễ cho. Lễ cấp sắc thường được tổ chức vào những tháng cuối năm, hoặc đầu năm mới vì đây là thời điểm nông nhàn của công việc sản xuất đồng áng, cho đến nay nghi lễ vẫn được duy trì và phát huy.

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập