GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ HUYỆN QUỲNH NHAI
1- Vị trí địa lý
Huyện Quỳnh Nhai nằm ở khu vực Tây Bắc của tỉnh Sơn La. Tọa độ địa lý từ 210033'42"đến 2000 01'45 vĩ độ Bắc và 1030029'40” đến 1030029'40"độ kinh Đông, cách trung tâm thành phố Sơn La 62 km về phía Tây Bắc. Tổng diện tích tự nhiên 105.600 ha. Phía Bắc giáp huyện Sìn Hồ, huyện Tân Uyên (tỉnh Lai Châu), phía Tây giáp huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên), phía Đông giáp huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu), phía Nam giáp huyện Thuận Châu và Mường La. Trước năm 1908, vùng đất này thuộc châu Quỳnh Nhai, phủ Điện Biên, tỉnh Hưng Hóa. Từ năm 1948-1953, Quỳnh Nhai thuộc Liên khu Việt Bắc; từ năm 1953-1955, thuộc khu Tây Bắc; từ năm 1955-1962, thuộc khu tự trị Thái Mèo; từ năm 1962-1975, thuộc khu Tây Bắc. Sau khi khu giải thể, Quỳnh Nhai là huyện thuộc tỉnh Sơn La. Với truyền thống anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, cần cù sáng tạo trong xây dựng quê hương. Trải qua các thời kỳ cách mạng hào hùng của dân tộc, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong huyện đã lập lên những chiến công oanh liệt và có bước trưởng thành vượt bậc về mọi mặt, đạt được những thành tích xuất sắc, góp phần tô thắm trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.
Quỳnh Nhai là huyện vùng cao tỉnh Sơn La, chiếm lấy một vùng đất riêng trong thung lũng rộng lớn được bao bọc bởi lòng hồ sông Đà và những dãy núi cao sừng sững, những cụm rừng xanh rì ngút ngàn. Độ cao trung bình so với mặt nước biển là 800m - 900m, cao nhất là đỉnh Khâu Pùm 1.823m.
Huyện có 11 đơn vị hành chính cấp xã, 103 bản, xóm (trong đó: xã khu vực I: 07 xã, chiếm 63,63%; xã khu vực III (xã ĐBKK): 04 xã, chiếm 36,36%); với 14,600 hộ, 67,159 nhân khẩu, có 07 dân tộc anh em cùng sinh sống; dân tộc thiểu số chiếm trên 96% (trong đó: dân tộc Thái chiếm 80,22%, dân tộc Mông chiếm 4,0%, dân tộc Dao chiếm 1,78%, dân tộc La Ha chiếm 3,18%, dân tộc Kháng chiếm 6,04%, dân tộc Kinh 4,6%, dân tộc khác chiếm 0,18%).
Toàn cảnh trung tâm huyện Quỳnh Nhai
2. Địa hình
Địa hình Quỳnh Nhai chia thành những vùng đất có đặc trưng sinh thái khác nhau bị chia cắt nhiều, diện tích đất có độ cao 160 chiếm 89,2%. Địa hình trùng điệp với nhiều dãy núi cao và mặt hồ chạy dài theo hướng Bắc - Nam, tạo cho Quỳnh Nhai một cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ.
Từ Thành phố Sơn La đến trung tâm huyện Quỳnh Nhai 62km đi theo đường Quốc lộ 6B. Từ Hà Nội đến huyện lỵ Quỳnh Nhai 380 km đi theo đường Quốc lộ 6 và Quốc lộ 6B.
Phía Tây Bắc trung tâm huyện Quỳnh Nhai
3. Khí hậu, thuỷ văn
Có hai tiểu vùng khác nhau, tiểu vùng cao mang đặc trưng khí hậu á nhiệt đới, thời tiết mát và thường có sương muối vào tháng giêng, tháng hai; tiểu vùng thấp (các xã dọc sông Đà) mang khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều.
Nhiệt độ trung bình hằng năm khoảng 220. Thường nóng nhiều vào các tháng 5, 6, 7 và lạnh nhiều vào các tháng 12 và tháng 1 năm sau. Thường nắng nhiều vào các tháng 4, 5, 6. Thường mưa nhiều vào các tháng 6, 7, 8. Lượng mưa trung bình hàng năm 1.419 mm.
Các hiện tượng thời tiết đặc biệt, đặc trưng ở địa phương: Mùa khô kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, chịu ảnh hưởng của gió tây khô nóng; tuy ít chịu ảnh hưởng của bão nhưng do địa hình phức tạp nên các tiểu vùng không khí khác nhau nên một số nơi thường xuất hiện gió lốc gây thiệt hại cho sản xuất và đời sống. Đồng thời, do địa hình đồi núi dốc nên khi mưa thường bị xói mòn rửa trôi, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.
Nguồn nước tự nhiên cho sản xuất và đời sống: Nguồn nước chủ yếu từ hệ thống sông Đà và suối nhỏ trên địa bàn.
4. Diện tích, dân số: Tổng diện tích tự nhiên huyện Quỳnh Nhai là 104.000 ha. Dân số là 14.729 người (năm 2023).
5. Lịch sử
Quỳnh Nhai được biết đến là địa bàn có con người cư trú sớm, thời Hùng Vương thuộc bộ Tân Hưng, thời Lý thuộc lộ Đà Giang, thời Trần thuộc châu Ninh Viễn, thời Lê thuộc trấn Gia Hưng, khoảng giữa thể kỷ XV, châu Quỳnh Nhai thuộc phủ An Tây, đến triều Nguyễn thuộc tỉnh Hưng Hóa.
Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 29 - 4 - 1955, Trung ương Đảng thành lập Khu Tự trị Thái - Mèo (không có cấp tỉnh), Quỳnh Nhai là một châu trực thuộc Khu. Trải qua quá trình phát triển đến năm 1962, Khu tự trị Thái – Mèo được đổi tên thành khu tự trị Tây Bắc, lập lại 3 tỉnh trực thuộc khu là Sơn La, Nghĩa Lộ và Lai Châu, Quỳnh Nhai là một châu thuộc tỉnh Sơn La.
Từ năm 2006 đến năm 2010, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về khởi công công trình nhà máy thủy điện Sơn La - nhà máy thủy điện có công suất lớn nhất Đông Nam Á, Quỳnh Nhai là một trong 3 huyện của tỉnh Sơn La phải di chuyển dân ra khỏi vùng hồ thủy điện. Huyện đã xây dựng 10 khu tái định cư với 84 điểm TĐC tập trung nông thôn và xen ghép, 12 điểm TĐC đô thị cho các hộ tái định cư. Năm 2009, Quỳnh Nhai chuyển khu trung tâm huyện lỵ từ xã Mường Chiên đến Phiêng Lanh xã Mường Giàng trên trục đấu nối quốc lộ 279 với tỉnh lộ 107 (Sơn La) nay là quốc lộ 6B, cách huyện lỵ cũ khoảng 30 km về phía hạ lưu sông Đà, cách thành phố Sơn La 62 km về hướng Bắc. Đồng thời, huyện cũng di chuyển 9 xã, 99 bản và 8.435 hộ dân, gần 40.000 nhân khẩu đến địa điểm mới.
6. Di tích
- Di tích lịch sử cây đa Pắc Ma (đã được phê duyệt di tích lịch sử theo Quyết định số 1011/QĐ-UBND ngày 28/4/2016 của Chủ tịchUBND tỉnh Sơn La: Cách đây 63 năm về trước, cây đa Pắc Ma thuộc bản Pắc Ma, xã Pắc Ma huyện Quỳnh Nhai, là cây mọc tự nhiên cách đường liên tỉnh171 khoảng 300m trên một quả đồi. Trong thời kháng chiến chống thực dân Pháp, huyện Quỳnh Nhai có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự là bàn đạp vững chắc cho Đoàn quân Tây Tiến chọc thủng phòng tuyến sông Đà vào giải phóng Lai Châu. Cây đa là một chứng tích thắng lợi của bộ đội ta trong chiến dịch Tây Bắc năm 1952, nhân dân địa phương thường gọi là cây đa Pắc Ma. Hiện nay cây đa vẫn vươn cao sức sống trên đồi, xung quanh mênh mông sông nước vùng lònghồ thủy điện Sơn La.
Cây đa Pắc Ma (Di tích lịch sử cấp tỉnh)
- Công trình văn hóa tín ngưỡng: Có Đền thờ Linh Sơn - Thủy từ và Nàng Han; vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc Quỳnh Nhai phải di chuyển dân tái định cư thủy điện Sơn La. Đầu năm 2012 để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tâm linh có từ lâu đời của nhân dân các dân tộc, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân trên địa bàn, huyện đã phục dựng lại Đền cách trung tâm huyện khoảng 05km góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa phi vật thể của các dân tộc Việt Nam. Đền thờ được khánh thành vào ngày15/5/2012.
Đền Linh Sơn - Thủy Từ
Đền Nàng Han
7. Kết quả nổi bật trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; ngành thương mại, dịch vụ; giảm dần ngành sản xuất nông nghiệp. Hoàn thành 22/24 chỉ tiêu trong phát triển kinh tế, xã hội; trong đó, chỉ tiêu thu ngân sách trên địa bàn đạt 29.065 triệu đồng, bằng 118,2% so với kế hoạch tỉnh giao.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi thông qua việc xây dựng, phát triển các dự án, mô hình sản xuất có giá trị kinh tế; đẩy mạnh thu hút, mời gọi đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản. Duy trì 4.100 lồng nuôi cá, tổng sản lượng nuôi và khai thác thủy sản ước đạt 1.800 tấn/năm. Đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả, trồng rừng, trồng cây dược liệu, toàn huyện trồng được 489 ha cây quế, 277 ha cây mắc ca, trồng mới 31 ha cây dứa,... nâng diện tích cây ăn quả hiện có lên 1.934 ha.
Dứa Queen trồng tại xã Chiềng Ơn
Nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà
Tập trung đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch theo hướng nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các loại hình du lịch, khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La.
Du lịch lòng hồ sông Đà
Vịnh Bình Yên
Vịnh Uy phong
Bến thuyền đầu cầu Pá Uôn
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Tập trung triển khai công tác xây dựng nông thôn mới trên toàn huyện, hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao đối với 02 xã Chiềng Bằng, Chiềng Khoang; từng bước hoàn thiện tiêu chí huyện nông thôn mới; triển khai nhiệm vụ nâng cấp xã Mường Giàng thành thị trấn Quỳnh Nhai; xây dựng quy hoạch vùng huyện; quy hoạch chung nông thôn, quy hoạch chi tiết điểm dân cư trên địa bàn 10 xã. Đến hết năm 2023, toàn huyện có 07/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Xã Chiềng Bằng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023
Xã Chiềng Khoang đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023
Tiếp tục bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề truyền thống, xây dựng câu lạc bộ dân ca, dân vũ nhằm khẳng định những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, bảo tồn và phá huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng phát triển du lịch bền vững. Đẩy mạnh thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", năm 2023 tỷ lệ cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa 98%; tỷ lệ bản, xóm văn hóa đạt chuẩn văn hóa 100%; Tỷ lệ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa 90%.
Tái hiện Nghi lễ Kin Pang Then của dân tộc Thái
Tái hiện Nghi lễ buộc chỉ cổ tay dân tộc Thái
Tái hiện Lễ hội rượu cần dân tộc Kháng
Chất lượng giáo dục và đào tạo có những chuyển biến tích cực, các cơ sở giáo dục đã đẩy mạnh phong trào đổi mới sáng tạo trong dạy và học. Toàn huyện có 11/11 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 06/11 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2, 05/11 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3; 11/11 xã duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ mức độ 2.
Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 của huyện là 4,62%; công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân được thực hiện có hiệu quả.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tổ chức tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính theo quy định. Thực hiện kết nối, liên thông phần mềm quản lý hồ sơ công việc và quản lý văn bản từ huyện đến 11 xã, đạt 100%; 11/11 xã đã vận hành phần mềm một cửa điện tử. Nâng cấp 100% thủ tục hành chính cấp huyện đủ điều kiện lên dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình gồm 279 thủ tục hành chính. Tăng cường công tác nắm bắt tư tưởng, dư luận trong nhân dân; thực hiện nghiêm Quy định về đối thoại, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vụ việc phức tạp, kéo dài.
Đẩy mạnh cải cách hành chính
Quốc phòng được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; công tác tuyển quân đảm bảo 100% kế hoạch giao. Tăng cường nắm tình hình địa bàn, thực hiện có hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; công tác phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự xã hội và tổ chức điều tra, xác minh, giải quyết các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trên địa bàn tiếp tục được thực hiện tốt góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.