KỸ THUẬT NUÔI CÁ LỒNG BÈ TRÊN SÔNG, HỒ
Tỉnh ta có lợi thế lớn, nếu biết khai thác tiềm năng diện tích mặt nước các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện, các sông, đưa thêm đối tượng nuôi mới, đa dạng hóa đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như cá Lăng nha, leo, chình, một số đối tượng mặn, lợ bên cạnh đối tượng chủ lực như cá Diêu hồng,... gắn với việc mở rộng thị trường tiêu thụ thì sẽ tạo được bước phát triển đột phá trong lĩnh vực nuôi.

 

I. CHỌN VỊ TRÍ NEO LỒNG

Trong nuôi cá lồng, do chất lượng nước không thể kiểm soát được như nuôi trong các thủy vực ao, đầm mà tùy thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, vì thế chọn lựa vị trí thích hợp để neo lồng bè sẽ có ảnh hưởng quyết định đến sự thành công của vụ nuôi. Thông thường, tiêu chuẩn lựa chọn vị trí nuôi dựa trên các yếu tố sau: Nhiệt độ, mức độ nhiễm bẩn của nguồn nước, vật chất lơ lửng, sinh vật gây bệnh, trao đổi nước, dòng chảy, khả năng làm bẩn lồng; độ sâu, chất đáy, giá thể; và điều kiện thành lập trại nuôi như phương tiện, an ninh, kinh tế - xã hội,...

Một vị trí tốt cho việc nuôi cá lồng trên sông và hồ chứa nước yêu cầu:

1. Lồng nuôi trên sông

Chọn nơi thông thoáng, ít tàu thuyền qua lại, có nguồn nước sạch không bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp, chất thải nông nghiệp, nước thải sinh hoạt. Nước sâu từ 3m trở lên, đáy lồng cách đáy sông ít nhất 0,5m.

Có lưu tốc dòng chảy 0,2 - 0,3m/giây, không nên nuôi ở nơi nước đứng hoặc nơi nước chảy xiết.

Môi trường nước phải đảm bảo các yếu tố sau: pH 6,5 – 8,5; oxy hoà tan > 5 mg/lít; NH3 < 0,01 mg/lít; H2S < 0,01 mg/lít, nhiệt độ nước từ 20 – 330C.

Diện tích lồng chiếm không quá 0,2% diện tích khu vực neo lồng. Trên một đoạn sông dài 500m rộng 200m chỉ được phép đặt 10 cụm lồng, mỗi cụm có diện tích 20m2.

Lồng bố trí trên sông thành từng cụm, mỗi cụm 10- 15 lồng (không quá 20 lồng), khoảng cách giữa các cụm cách nhau từ 200 – 300m bố trí theo hình chữ Z.

Vị trí đặt lồng phải thuận lợi về giao thông để tiện trong việc cung cấp con giống, thức ăn, chăm sóc, quản lý, thu hoạch và vận chuyển tiêu thụ sản phẩm.

Vùng nuôi lồng, bè nằm trong vùng đã được quy hoạch cho từng đối tượng thủy sản của địa phương hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Lồng nuôi trên hồ chứa

Chọn khu vực hạ lưu hồ chứa, xa bến tập kết gỗ, nứa, đập tràn.

Chọn nơi thông thoáng, khuất gió, nước sâu hơn 4m tại thời điểm mực nước hồ xuống thấp nhất, lưu thông nước tốt, lưu tốc dòng chảy 0,2 - 0,3m/giây. Không nên nuôi ở các điểm cuối eo ngách.

Vị trí đặt lồng cách bờ ít nhất 15 – 20m.

Môi trường nuôi phải đảm bảo các yếu tố sau: pH 6,5 – 8,5; oxy hoà tan > 5 mg/lít; NH3 nhỏ hơn 0,01 mg/lít; H2S < 0,01 mg/lít, nhiệt độ nước từ 20 – 330C.

Ở hồ chứa mỗi cụm bố trí từ 10 – 15 lồng, các cụm lồng cách nhau từ 200 – 300m, đặt so le nhau. Tại hồ chứa tổng diện tích lồng, bè không quá 0,2% diện tích khu vực đặt lồng. Cụ thể là 1ha mặt thoáng hồ chứa chỉ được nuôi 1 cụm lồng 20m2. Nuôi nhiều hơn sẽ bị ô nhiễm không tốt.

Vị trí đặt lồng phải thuận lợi về giao thông để tiện trong việc cung cấp con giống, thức ăn, chăm sóc, quản lý, thu hoạch và vận chuyển tiêu thụ sản phẩm.

Các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện mà nguồn nước không dùng cho mục đích sinh hoạt, hồ có diện tích mặt nước dâng bình thường từ trên 50ha trở lên.
II. THIẾT KẾ LỒNG NUÔI

Lồng nuôi cá rô phi, diêu hồng thiết kế tương tự lồng nuôi cá basa, cá tra tuy nhiên do cá rô phi, diêu hồng không có khả năng hô hấp bằng bóng khí nên thiết kế lồng phải đảm bảo có độ thông thoáng, lưu thông nước tốt. Một cụm lồng gồm các bộ phận chính sau: Khung lồng, phao, nhà bảo vệ, lưới lồng, dây neo, neo, đá ghiềm...

1. Khung lồng

Khung lồng nuôi cá có thể làm bằng các nguyên liệu sau: Bằng sắt, tre, gỗ. Đối với miền núi có thể tận dụng các nguyên liệu gỗ, tre hoặc lồ ô có sẵn tại địa phương để giảm chi phí làm lồng. Tùy vào điều kiện kinh tế và quy mô đầu tư của mỗi hộ mà thiết kế khung lồng nuôi cho phù hợp. Với cá Diêu hồng, Rô phi nên thiết kế khung lồng có 6 - 12 ô lồng và dành riêng 1- 2 ô lồng để làm nhà sinh hoạt và kho chứa thức ăn, những ô còn lại dùng để nuôi.

1.1. Khung lồng bằng tiếp sắt

- Vật liệu:

Toàn bộ khung lồng làm bằng ống tiếp sắt Φ34 (hoặc Φ42, Φ49) có mạ lớp kẽm chống rỉ, mỗi cây dài 6m và ống nối sắt Φ34.

- Thiết kế khung lồng:

Khung lồng có kích thước 24 x 12m, gồm 2 dãy mỗi dãy 5 ô để mắt lưới lồng nuôi, mỗi ô kích thước 4,5 x 4m hoặc khung lồng có kích thước 18 x 18m, gồm 3 dãy, mỗi dãy 3 ô để mắt lưới lồng nuôi, mỗi ô kích thước 5 x 5m. 

Các tiếp sắt Φ34, mỗi cây có chiều dài 6m được nối thẳng với nhau bằng ồng nối Φ34. Toàn bộ các tiếp sắt dọc và ngang được hàn gắn chặt với nhau tạo thành khung lồng.

1.2. Khung lồng bằng tre

            - Vật liệu:

          Khung lồng làm bằng tre đặc thẳng mỗi cây dài khoảng 4m đến 5m, liên kết nhau bằng dây thép. Toàn bộ khung lồng được cố định bằng dây neo 4 góc.

           - Thiết kế khung lồng:

          Khung lồng có kích thước 16 x 10m làm thành 2 dãy, mỗi dãy 3 ô nuôi, mỗi ô thước 5 x 4m để mắt lưới lồng. Các cạnh của khung lồng gồm 5 cây tre ghép sát nhau rộng khoảng 0,6m bằng dây thép. 

   1.3. Khung lồng bằng gỗ

- Vật liệu:

Thanh gỗ 5 x 10cm có chiều dài từ 4 - 6m, ốc 10 dài 20cm.

     - Thiết kế khung lồng:

Dùng gỗ Kiền kiền hoặc Chò chỉ là những loại gỗ có khả năng chịu nước tốt, các thanh gỗ (thanh đà) có kích thước 5 x 10cm có chiều dài từ 4 - 6m được liên kết với nhau bằng bulon, ốc 10 dài 20cm.

 Khoảng cách giữa các đà 0,4 – 0,5cm để phù hợp với kích thước phao, mặt trên lắp ván gỗ tạo lối đi để thuận tiện trong việc chăm sóc quản lý.

Khung lồng có kích thước 14 x 10,5m được chia làm 2 dãy, mỗi dãy 3 ô nuôi, ô kích thước 4,5 x 4m. Khung lồng nhìn trên xuống chưa lắp ván đi như hình bên dưới. 

2. Phao nâng lồng

    Phao nâng lồng : Dùng tấm xốp có kích thước 50 x 60 x 90 cm, thùng phi sắt hoặc phi nhựa 200lít. Để đảm bảo sức nổi của lồng, bố trí mỗi ô lồng từ 4 – 6 phao, phao được cố định vào khung lồng bằng dây thép.

3. Lồng lưới

Lồng lưới có dạng hình hộp lập phương hoặc hình chữ nhật có 1 mặt đáy, 4 mặt bên, mặt để hở gọi là miệng lồng.

Lồng làm bằng lưới polyetylen (PE) dệt không co rút. Cỡ mắt lưới phụ thuộc vào kích cỡ cá lúc thả thường (2a) = 1 -  4cm, trong một vụ nuôi thường ta sử dụng 3 loại mắt lưới: Ban đầu chọn mắt lưới có kích thước (2a) =1cm, kích thước thứ 2: 2a = 2,5 cm, kích thước thứ 3: 2a = 4cm, đáy lưới lồng được cố định bằng dây giềng nối với đá ghiềm.

Kích thước lồng được chia làm ba cỡ: 

Lồng nhỏ kích thước 4 - 100 m3, độ sâu 1 - 2,5 m

Lồng trung bình thể tích 100- 500 m3, độ sâu 2,5 - 5m

Lồng lớn thể tích 500 – 1600 m3, độ sâu 5 - 7 m

Thông thường lồng sử dụng để nuôi cá rô phi, cá diêu hồng trên sông và hồ chứa sử dụng lồng có kích thước vừa và nhỏ, thường lồng có kích thước 75 m (5 x 5 x 3 m), chiều sâu mức nước thả nuôi là 2,5 m.

Tất cả các lồng dù thiết kế bằng vật liệu gì trên các mặt của thành lồng đều có lớp lưới chắn cao 0,5 m để ngăn thức ăn trôi ra ngoài.

Lắp cụm lồng

- Đặt các phi song song, khoảng cách các phao bằng khoảng cách lồng lưới.

- Dùng khung lồng đã hàn sẵn đặt lên phao, gắn phao vào khung lồng bằng dây thép.

- Khi lắp khung cụm lồng đặt trên bờ sau đó chuyển xuống nước để lắp lồng lưới.

- Trên cụm lồng lắp nhà bảo vệ diện tích bằng 1 đến 2 ô lồng. 
III. KỸ THUẬT NUÔI

1. Chọn giống và thả giống

    Con giống: Cá giống thả nuôi lồng trên sông, hồ chứa chúng ta nên sử dụng cá Diêu hồng (cá rô phi đỏ), rô phi đơn tính đực dòng GIFT.

Ngoài ra, một số đối tượng khác : cá Ba sa, cá Trắm, Lăng nha… có thể đưa vào nuôi lồng.

Nên mua giống ở các cơ sở tin cậy, có chất lượng.

    Cá giống phải khỏe mạnh, không dị hình, xây sát, kích cỡ đồng đều, không bị mất nhớt. Cá hoạt động linh hoạt, bơi lội nhanh nhẹn, bơi chìm.

    Kích cỡ cá giống: Đối với nuôi trong lồng yêu cầu cá giống có kích thước lớn, tốt nhất từ 8-12cm. Cá giống được ương nuôi trong ao hoặc lồng riêng cho đến khi đạt kích thước trên mới đưa ra lồng bè thả nuôi thương phẩm.

    Mật độ thả:  Tùy từng loại cá nuôi có thể thả nuôi mật độ khác nhau :

- Cá Diêu hồng, Rô phi : 80 - 100 con/m3.

- Cá Ba sa : 100- 150 con/m3.

- Cá Trắm cỏ : 20- 30 con/m3.

- Cá Lăng nha: 40 - 60 con/m3.

- Cá Lóc : 100- 130 con/m3.

Mùa vụ thả giống: Tại Quảng Nam, mùa vụ thả cá nuôi có thể quanh năm. Tuy nhiên, cần tính toán thời gian thả cá nuôi đến khi thu hoạch là trước mùa mưa bão (tháng 10-12) để tránh thiệt hại do mưa bão gây ra.

Thả cá vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Trước khi thả cá cần cân bằng môi trường bằng cách ngâm bao chứa cá vào lồng nuôi trong thời gian 10-15 phút, sau đó cho nước từ từ vào miệng túi và tiến hành thả cá.

2. Thức ăn và chế độ cho ăn

    Thức ăn cho cá sử dụng trong quá trình nuôi chủ yếu là thức ăn công nghiệp.

Dùng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi và không tan trong nước sẽ hạn chế sự thất thoát thức ăn và giảm thiểu ô nhiễm nước. Cho cá ăn bằng thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm 20 - 30%. 

Bảng: Chế độ cho ăn và khẩu phần ăn của cá diêu hồng, rô phi

 sử dụng thức ăn công nghiệp viên nổi

Cỡ cá (gam/con)

Loại thức ăn

Lượng cho ăn 
(% trọng lượng thân)

5- 20

Dạng viên mảnh, 35% độ đạm

10

20- 50

Dạng viên nổi kích cỡ 1,5- 2 mm,

30% độ đạm

7

50- 200

Dạng viên nổi kích cỡ 4 mm,

27% độ đạm

5

200- 300

Dạng viên nổi kích cỡ 5 mm,

25% độ đạm

3

> 400

Dạng viên nổi kích cỡ 6 mm,

20- 22% độ đạm

1,5- 2

         

Việc cho cá ăn khá đơn giản khi nuôi cá bằng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi. Tuy nhiên, lồng phải có màng chắn để ngăn thức ăn không cho trôi ra ngoài lồng. Màng chắn thức ăn làm bằng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn kích thước của viên thức ăn. Thức ăn được chia đều làm 2- 3 lần cho cá ăn vào lúc sáng (6-7 h) và chiều (17-18h). Cho cá ăn đúng giờ để tạo phản xạ cho cá.

Ngoài ra, có thể dùng thức ăn tự chế cho cá ăn để giảm chi phí. Công thức thức ăn tự chế để nuôi cá lồng như sau :

Cám gạo: 60%, bột đậu nành: 10%, bột cá: 10%, rau xanh: 15%, vitamin, khoáng: 5%.

Hoặc Cám gạo: 40%, khô dầu lạc: 40%, bột cá: 20%.

Nếu cho cá ăn bằng thức ăn tự chế hoặc thức ăn dạng viên chìm phải dùng lưới cước có mắt lưới dày để làm mặt đáy lồng nuôi cá nhằm giữ cho thức ăn không lọt qua đáy lồng rơi xuống đáy sông, hồ.

Hỗn hợp thức ăn tự chế được trộn theo công thức trên đã nấu chín, đùn viên hoặc để nguội nắm thành bánh cho cá ăn. Đưa thức ăn xuống lồng thành nhiều đợt để tất cả cá nuôi trong lồng đều được ăn. Cho cá ăn từ từ, ít một để cá ăn hết thức ăn, tránh không để cá tranh ăn, làm tan thức ăn, rơi ra ngoài lồng gây thất thoát thức ăn và ô nhiễm nước.

Cho cá ăn với khẩu phần từ 2 - 7% trọng lượng thân tùy vào loại thức ăn và trọng lượng cá nuôi.

Định kỳ một tháng cho cá ăn 5 ngày liên tục bằng thức ăn có trộn vitamin C (2g/kg thức ăn)

Cần giảm lượng thức ăn khi cá có hiện tượng bắt mồi kém hay thời tiết thay đổi.

Trong quá trình nuôi cần theo dõi tăng trưởng của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Chu kỳ kiểm tra tăng trưởng là 15 ngày/1lần trên cơ sở đó ước lượng được khối lượng cá trong lồng từ đó điều chỉnh lượng thức ăn cho cá.

Quan sát hoạt động bắt mồi của cá và mức độ ăn của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Vớt thức ăn cũ còn thừa trong lồng trước khi cho thức ăn mới.

Không cho cá ăn thức ăn bị mốc hay ôi thiu, quá hạn sử dụng sẽ dễ gây ngộ độc cho cá.

3. Chăm sóc, quản lý lồng nuôi

Đây là khâu quan trọng và phải làm thường xuyên trong suốt quá trình nuôi. Nếu thả cá xong mà không chăm sóc, quản lý thì sản lượng thu hoạch thấp do cá bị chết do bệnh, ô nhiễm môi trường nước, chậm lớn do thiếu thức ăn, cá bị thất thoát do lồng nuôi bị rách, địch hại ăn thịt... như vậy sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế.

3.1. Theo dõi sức khỏe của cá

Hàng ngày quan sát hoạt động của cá trong các lồng nuôi: Cá nổi đầu do thiếu oxy, tình hình sử dụng thức ăn, chất thải, dịch bệnh và các hiện tượng bất thường khác xảy ra để có cách xử lý kịp thời.

Cho cá ăn đủ chất lượng và số lượng.

Khi xảy ra dịch bệnh cần cách ly lồng đến vị trí an toàn và tiến hành phòng bệnh cho cá. Trường hợp cá nuôi bị bệnh nặng và có khả năng lây lan nhanh, phải tiến hành thu hoạch cá (nếu đã đạt kích cỡ thương phẩm).

3.2. Vệ sinh, quản lý lồng nuôi

    Trước khi thả cá và sau mỗi vụ nuôi, thu hoạch cá xong, đưa lồng lên cạn (nếu có điều kiện) dùng vôi hoặc Chlorin 30ppm phun lên lồng, sau đó phơi khô 1- 2 ngày.

Trong quá trình nuôi, mỗi tuần vệ sinh lồng ít nhất một lần, dùng bàn chải nhựa cọ sạch các cạnh bên trong và ngoài lồng lưới, loại bỏ rác trôi nổi và các vật cứng bám vào cụm lồng nuôi. Tiến hành làm vệ sinh lồng trước các bữa ăn của cá.

Thường xuyên treo túi vôi trong lồng cá, mỗi lồng treo 1- 2 túi ngập trong nước, mỗi túi chứa 2- 3 kg vôi.

    Trong quá trình làm vệ sinh cần kiểm tra lồng, phát hiện kịp thời các mắt lưới gần rách, vết rạn nứt để vá lại ngay nhằm hạn chế cá thất thoát ra khỏi lồng đi mất.

Vào mùa mưa lũ, phải kiểm tra các dây neo lồng, di chuyển lồng vào vị trí an toàn khi có bão, lũ và nước chảy xiết.          
IV. THU HOẠCH VÀ TÍNH HIỆU QUẢ KINH TẾ

1. Thu hoạch

Sau 4- 5 tháng nuôi kiểm tra khi cá đạt kích cỡ thương phẩm (500- 600 gam/con) thu hoạch toàn bộ hoặc có thể tiến hành thu tỉa cá lớn, tiếp tục nuôi các cá nhỏ hơn và đến cuối vụ thu hoạch toàn bộ.

Trước khi thu hoạch giảm cho cá ăn 2- 3 ngày và ngày cuối cùng ngừng cho ăn.

Dùng lưới thu từ từ cho đến hết, thu trong thời gian ngắn sẽ giảm tỷ lệ hao hụt.

Sản phẩm có thể được tiêu thụ ngay tại địa phương hay chuyển các tỉnh lân cận.

Thống kê toàn bộ sản lượng cá thu hoạch về số lượng, trọng lượng và tổng giá trị thu được để tính toán hiệu quả kinh tế và rút kinh nghiệm cho vụ nuôi sau.

2. Tính hiệu quả kinh tế

Trong sản xuất thủy sản nói chung và nuôi cá nói riêng đều phải tính đến hiệu quả kinh tế cho vụ nuôi sau khi thu hoạch nhằm phân tích, rút kinh nghiệm cho những vụ nuôi tiếp theo đạt hiệu quả cao hơn.

Muốn tính hiệu quả kinh tế thì phải tính được tổng chi phí trong quá trình nuôi và tổng doanh thu thu được sau khi thu hoạch.

Hiệu quả =  Tổng thu – Tổng chi

* Phần chi gồm:

- Tiền làm lồng (trừ dần vào tiền khấu hao tài sản sau mỗi vụ nuôi)

- Tiền mua cá giống

- Tiền mua các loại thức ăn

- Tiền điện, nhiên liệu đi lại, vận chuyển thức ăn, vật tư, cá từ bờ ra lồng và ngược lại.

- Tiền công chăm sóc, quản lý

- Tiền thuốc, hóa chất phòng, trị bệnh

- Tiền công thu hoạch và các chi phí khác (nếu có)

* Phần thu:

 Tổng sản lượng cá thu hoạch nhân với giá bán tại từng thời điểm./.

LA THÀNH TRUNG - TỔ TƯ VẤN THỦY SẢN 126

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập