Với hơn 10.500 ha diện tích mặt nước lòng hồ, nghề nuôi trồng thuỷ sản trên lòng hồ sông Đà được coi là thế mạnh của huyện Quỳnh Nhai từ nhiều năm nay, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì nghề nuôi trồng thủy sản của huyện Quỳnh Nhai vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Mô hình nuôi cá lồng của HTX Bỉa Ban xã Chiềng Bằng
HTX thủy sản Hồ Quỳnh xã Chiềng Ơn có 8 thành viên với 160 lồng cá. Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch bị ngưng trệ, ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ thủy sản của HTX. Hiện nay, gần 140 tấn lăng, cá trắm thương phẩm đến kỳ xuất bán mà không có thương lái, nhà hàng thu mua. Mọi năm, thời điểm này, mỗi tháng HTX xuất bán gần 5 tấn cá đi các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Sơn La, Hòa Bình để tiêu thụ nhưng nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 các nhà hàng, quán ăn đóng cửa nên cá của HTX không tiêu thụ được. Tính trung bình mỗi ngày, HTX tốn gần 15 triệu đồng tiền thức ăn cho cá. Cá càng để lớn càng tốn thức ăn, nếu cứ tiếp tục phải duy trì đàn cá lâu ngày thì rất tốn kém và bị thua lỗ.
Ông Lâm Đức Độ, Thành viên HTX thủy sản Hồ Quỳnh xã Chiềng Ơn huyện Quỳnh Nhai chia sẻ:“Nếu được sự hỗ trợ của tỉnh, của huyện hỗ trợ được thêm cho chúng tôi để duy trì đàn cá này để chúng tôi cố gắng cho ăn để qua được mùa dịch này để giữ được và hết dịch thì chúng tôi mới bán thì là cái rất là tốt. Bây giờ hàng ngày cứ nuôi là cho ăn cầm chừng để cho cá duy trì lại thôi. Hiện tại mỗi thành viên của HTX có vài chục tấn nên thực sự là khó khăn. Bình thường chúng tôi thường xuất bán đi Hà Nội, Sơn La và Hòa Bình, tuy nhiên bây giờ các nhà hàng đóng cửa hết nên không tiêu thụ được nên thực sự hiện tại HTX đang rất khó khăn”.
Tương tự, HTX thủy sản Pom Sinh xã Chiềng Bằng có gần 10 tấn cá lăng và cá trắm đang đến kỳ thu hoạch nhưng không xuất bán được. Thời điểm này, giải pháp tạm thời được HTX áp dụng để cầm cự, đó là giảm nguồn thức ăn từ cám, tận dụng cho cá ăn từ nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có như cỏ voi, thân cây chuối, sắn…để giảm chi phí đầu tư.
Anh Lò Văn Đi, Giám đốc HTX thủy sản Pom Sinh xã Chiềng Bằng huyện Quỳnh Nhai cho biết:“Năm nay do ảnh hưởng của Covid-19 nên đầu vào của con giống cũng cao vì phương tiện họ đi họ mất cước nhiều nên họ cũng bán cao. Thứ hai là đầu ra của HTX cũng gặp khó khăn vì Covid không xuất ra được, như mọi năm một tháng HTX xuất ra 3- 4 tấn cá, tuy nhiên từ tết đến nay khi có Covid-19 thì gặp nhiều khó khăn, cá thì không bán được. HTX chúng tôi cũng kính mong các cấp có thẩm quyền quan tâm giúp đỡ HTX chúng tôi, một là về con giống, hai là đầu ra, ba là kỹ thuật chăm sóc cá”.
Thị trường đầu ra khó khăn, người dân vẫn phải gồng mình trang trải chi phí chăn nuôi. Thực tế cho thấy, đối với một số giống cá dễ nuôi như trắm cỏ, trắm đen, cá rô phi…người dân có thể tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên như cỏ voi, sắn…để giảm bớt chi phí. Tuy nhiên, đối với một số giống cá lăng, cá chiên, cá bỗng…chi phí mua cám sẽ tốn kém hơn. Chính vì vậy, việc chậm tiêu thụ các sản phẩm cá lồng sẽ gây thiệt hại về kinh tế, không kịp thu hồi tiền vốn để nuôi gối các vụ tiếp theo.
Huyện Quỳnh Nhai có 250 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản với với 6.720 lồng cá, các loại cá nuôi chủ yếu gồm: cá trắm cỏ, trắm đen, cá chép, cá lăng, cá rô phi…Tổng sản lượng cá hiện còn ước tính đến 31/12/2020 là khoảng 1.168 tấn. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm của các HTX chủ yếu trong tỉnh, thành phố Hà Nội và một số tỉnh như Điện Biên, Lào Cai. Mặc dù, nghề nuôi trồng thuỷ sản của huyện Quỳnh Nhai phát triển với tốc độ nhanh, nhưng công tác nuôi trồng vẫn gặp những bất cập, khó khăn do phần lớn các HTX thủy sản phát triển theo một cách tự phát, không theo quy hoạch, chưa có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên dễ bị thương lái ép giá, hiệu quả chưa cao. Người nuôi chưa nhận thức được sản xuất nuôi cá lồng thành đối tượng hàng hóa. Một số HTX thậm chí còn thiếu vốn nên chưa mạnh dạn đầu tư con giống, thức ăn vào chăn nuôi; việc lập sổ sách ghi chép còn hạn chế do đó chưa hạch toán được giá thành cá nuôi nên việc tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm ổn định gặp rất khó khăn. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc đình trệ xuất bán cá đã đến từ thu hoạch tại các lồng nuôi dẫn đến giá cá giảm, người dân khó có vốn tái đầu tư nuôi.
Để tháo gỡ những khó khăn cho các HTX nuôi trồng thủy sản, huyện Quỳnh Nhai đã xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cho các mô hình nuôi trồng thuỷ sản và thu hút các dự án đầu tư nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá trên địa bàn; coi trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành thuỷ sản. Tổ chức tập huấn cho người dân về kỹ thuật quản lý môi trường, phòng trị bệnh và chăm sóc cá nuôi đảm bảo chất lượng tốt. Đồng thời tăng cường công tác quản lý về giống thuỷ sản; chủ động dự báo phòng chống dịch bệnh, khắc phục những rủi ro thiên tai, thời tiết để có biện pháp chỉ đạo kịp thời. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, đồng thời mở rộng qui mô sản xuất, tổ chức sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP, Global G.A.P và các tiêu chuẩn tương tự, tạo chuỗi liên kết giá trị từ khâu cung cấp con giống, đến khâu tổ chức tiêu thụ sản phẩm đầu ra; gắn sản xuất với hoạt động chế biến sản phẩm.
Đồng chí Cầm Văn Huy, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, Sơn La cho biết:
“Trong thời gian tới, huyện Quỳnh Nhai sẽ tập trung lãnh đạo các xã ở vùng lòng hồ thủy điện Sơn La khai thác tiềm năng, lợi thế, hướng mạnh vào nuôi trồng theo hướng thâm canh, đồng thời cũng kế thừa những kinh nghiệm truyền thống nhằm đa dạng hoá đối tượng vật nuôi, tạo được sản phẩm thuỷ sản có giá trị kinh tế cao. Chú trọng phát triển đánh bắt và bảo vệ thuỷ sản tự nhiên theo quy định của Luật Thủy sản. Xây dựng các mô hình khuyến nông, khuyến ngư trong sản xuất; thực hiện tốt các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển xây dựng cơ sở cho ngành thuỷ sản. Tiếp tục hình thành tổ, nhóm HTX nuôi cá lồng bè tập trung thành các điểm trên lòng hồ để hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất và tạo được số lượng sản phẩm hàng hoá tập trung, trong đó các dịch vụ về giống, thức ăn, vật tư trong việc phòng trừ bệnh cũng như chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai”.
Thời gian tới huyện Quỳnh Nhai sẽ tăng cường nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động đầu tư sản xuất con giống chất lượng cao tại chỗ, hoạt động chế biến sản phẩm, công tác phòng, chống dịch bệnh, lập hồ sơ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã số, mã vạch, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm và các chính sách hỗ trợ khác theo quy định hiện hành. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, thông thoáng, an toàn, ổn định và bền vững. Tiếp tục huy động nguồn lực cho hoạt động thả cá giống, tái tạo nguồn lợi tự nhiên, đảm bảo sinh kế cho người dân./..
Bùi Đình Hải, Trung tâm TTVH huyện Quỳnh Nhai