Chiềng Khay đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân
Thưa quý vị và các bạn, những năm qua, xã Chiềng Khay đã tập trung khai thác các tiềm năng thế mạnh của địa phương, triển khai đồng bộ, đa dạng và thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế; đưa giống cây trồng mới vào sản xuất tạo sản phẩm hàng hóa phát huy những lợi thế sẵn có nhằm hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Nhờ đó, đời sống của Nhân dân ngày càng được nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới.
Xác định nhiệm vụ trọng tâm là giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, trong đó nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo trong cơ cấu kinh tế của địa phương, xã Chiềng Khay đã tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Tập trung mọi nguồn lực đề ra nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, đưa những cây con giống mới vào sản xuất, tăng năng suất chất lượng sản phẩm. Tận dụng các nguồn lực của nhà nước như 30a, 135, chương trình MTQG xây dựng NTM hỗ trợ về mô hình cây trồng vật nuôi. Cùng với đó, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các nguồn vốn vay để phát triển các mô hình trang trại mang lại hiệu quả kinh tế. Trong chăn nuôi, các tổ chức đoàn thể thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, triển khai tiêm phòng theo đúng kế hoạch đề ra. Nhờ đó, đến nay đàn gia súc, gia cầm của xã luôn ổn định, với đàn trâu gần 2.620 con , đàn bò trên 2.400 con, đàn dê gần 1.440 con, đàn lợn gần 2.300 con, đàn gia cầm trên 71.500 con, đàn Ong 268 đàn, tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại đạt trên 81 %. Đối với trồng trọt, xã đã tập trung tuyên truyền, vận động bà con nhân dân thực hiện trồng quế, trồng cây ăn quả trên đất dốc, như mận hậu, mận tam hoa, mắc ca, bưởi da xanh, xoài đài loan... đến nay toàn xã đã thực hiện trên 115 ha cây ăn quả trên đất dốc, gần 280 ha diện tích cây quế; gieo cấy 104 ha diện tích lúa xuân, năng xuất đạt 5,3 tấn/ ha, sản lượng đạt 397 tấn; ngô: 220ha, năng xuất đạt 3, 4 tấn/ha, sản lượng đạt 229,5 tấn; sắn 350ha, năng xuất đạt 9,8 tấn/ha, sản lượng đạt trên 2.240 tấn. Công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Ngoài ra trên địa bàn xã cũng đã xây dựng thương hiệu sản Mật ong Chiềng Khay của HTX Lò Mạnh Sáng.
Mô hình trồng cây ăn quả của nhân dân xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai
Chị Hoàng Thị Thiên, Phó Giám đốc HTX Lò Mạnh Sáng cho biết: “Sản phẩm mật ong Chiềng Khay của chúng tôi mỗi năm bán ra thị trường từ 18 đến 20 nghìn lít mật ong, doanh thu đạt khoảng 600 triệu đồng/ năm. Sản phẩm của HTX đã được người dân trong và ngoài tỉnh biết đến và đánh giá cao. Mật ong của chúng tôi cũng đã được mang đi giới thiệu sản phẩm đặc trưng của huyện Quỳnh Nhai ở gian trưng bày tại các sự kiện…để phục vụ khách hàng. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ phấn đấu đưa được nhiều sản phẩm của HTX đến với khách hàng trong và ngoài tỉnh, còn đối với sản phẩm mật ong Chiềng Khay sẽ tăng chất lượng cũng như thương hiệu sản phẩm để mang lại giá trị kinh tế nâng cao thu nhập cho thành viên HTX”.
Bên cạnh đó xã quan tâm tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư nâng cấp, kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa; tăng cường đảm bảo công tác an ninh trật tự; quan tâm công tác quản lý thị trường. Toàn xã đã hình thành và nhân rộng được nhiều mô hình kinh tế trang trại, gồm các con nuôi, như: Lợn, trâu bò. Các mô hình, sau khi trừ chi phí cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Năm 2023 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 40 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 12,9% theo bộ tiêu chí mới.
Ông Bùi Đình Hải, Chủ tịch UBND xã Chiềng Khay cho biết: “Những năm qua, xã luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân phát triển kinh tế, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, xã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cơ giới vào sản xuất... nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên từng diện tích canh tác, phát triển mở rộng các sản phẩm OCOP trên địa bàn”.
Thời gian tới, xã tiếp tục thực hiện các chương trình trọng điểm trong sản xuất nông, lâm nghiệp; nhân rộng các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung; phát triển trang trại cả về số lượng, chất lượng; khuyến khích các chủ thể có sản phẩm đạt yêu cầu theo quy định tham gia đăng ký sản phẩm OCOP để tăng giá trị sản phẩm đặc sản địa phương nâng cao thu nhập hơn nữa cho người dân. Với những giải pháp cụ thể, đúng hướng, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện, hiện tại xã đã đạt 14/19 tiêu chí và 48/57 chỉ tiêu về NTM. Những kết quả đạt được đã góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của xã đặt ra, phấn đấu đạt xã NTM vào năm 2024./.