image banner
Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai - Dấu ấn một nhiệm kỳ

Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai - Dấu ấn một nhiệm kỳ

         Phát huy truyền thống đoàn kết, dân chủ, sáng tạo, trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Quỳnh Nhai đã nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, phát huy nội lực, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện khá toàn diện các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XX nhiệm kỳ (2015 - 2020) đề ra. Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, chúng ta có thể tự hào với những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Quỳnh Nhai đã đạt được trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh, công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị, công tác xây dựng Nông thôn mới, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện, nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện chung sức, đồng lòng, giữ trọn niềm tin với Đảng, Nhà nước cùng nhau xây dựng quê hương Quỳnh Nhai giàu đẹp, văn minh.

        Ngày 01/8/1950 Chi bộ Đảng ở Quỳnh Nhai ra đời. Trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, nhất là từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vượt lên trên mọi khó khăn, thử thách, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Quỳnh Nhai đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa rất quan trọng. Đảng bộ huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo chuyển nền kinh tế của huyện từ nông nghiệp độc canh lương thực ở trình độ lạc hậu tiến lên sản xuất nông, lâm nghiệp đa dạng theo hướng sản xuất hàng hoá, áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ, bước đầu hình thành cơ cấu kinh tế nông lâm tiểu thủ công nghiệp dịch vụ; thúc đẩy công cuộc đổi mới trên quê hương Quỳnh Nhai theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

         Kể từ đó đến nay Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai đã trải quả 20 kỳ Đại hội, mỗi kỳ Đại hội là một bước lịch sử quan trọng ghi nhận những thành tựu, bài học kinh nghiệm và quyết định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho một nhiệm kỳ mới với những kỳ vọng và niềm tin son sắt. Những thành quả đã đạt được không những khẳng định sự lớn mạnh, đánh dấu nhiều bước trưởng thành quan trọng của Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai mà còn tạo sự thống nhất về chính trị, tư tưởng và hành động để Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai vững bước trên chặng đường mới, xây dựng huyện Quỳnh Nhai trở thành một trong những huyện phát triển khá của tỉnh Sơn La.

         Là một trong những huyện trọng điểm về di dân tái định cư của tỉnh Sơn La, huyện Quỳnh Nhai đã phải tổ chức di chuyển dân với khối lượng lớn chiếm 2/3 khối lượng công tác di dân trong toàn tỉnh với 8.435/12.500 hộ thuộc 09 xã, 99 bản, xóm, 36.000 nhân khẩu, đồng thời phải di chuyển toàn bộ trung tâm hành chính huyện đến địa điểm mới. Tuy nhiên đây cũng chính là cơ hội thuận lợi quan trọng để Đảng bộ huyện sắp xếp lại dân cư, điều chỉnh cơ cấu sản xuất, phân bố lao động gắn với thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn trên địa bàn huyện. Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh. Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai nhanh chóng bắt tay vào triển khai chỉ đạo thực hiện như: Thành lập Ban Chỉ đạo di dân TĐC Thủy điện Sơn La cấp huyện, cấp xã; Thành lập Hội đồng Bồi thường hỗ trợ TĐC; Ban Quản lý dự án Di dân TĐC...Vừa quản lý điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của huyện song song với việc thực hiện nhiệm vụ công tác di dân tái định cư thủy điện Sơn La. Đến nay sau hơn 10 năm thực hiện nhiệm vụ di dân tái định cư dự án thủy điện Sơn La điều kiện phát triển kinh tế xã hội vùng tái định cư đã từng bước phát triển, 100% số hộ tái định cư đến nơi ở mới có nhà ở khang trang hơn nơi ở cũ, hệ thống cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm TĐC được quy hoạch và xây dựng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất, các hộ dân tái định cư cơ bản đã được giao đủ đất sản xuất nông nghiệp và được hướng dẫn sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống tại nơi ở mới. Thu nhập bình quân đầu người của các hộ tái định cư năm 2019  là 18,36 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân của các hộ tái định cư năm 2005 là 35,62% thì đến năm 2019 giảm xuống còn 7,53%. An ninh Quốc phòng được giữ vững, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

         Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai lần thứ XX nhiệm kỳ (2015 - 2020) diễn ra vào thời điểm cả nước đang quyết tâm thi đua lập thành tích cao nhất chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; kỷ niệm 40 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước và tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng. Đất nước đang trên đà phát triển, từng bước khẳng định được vị thế trên trường Quốc tế; Đảng và Nhà nước tiếp tục thực hiện các chính sách đầu tư, hỗ trợ đặc thù cho phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi; vùng tái định cư dự án thủy điện Sơn La và các chính sách đảm bảo an sinh xã hội. Đây là những điều kiện thuận lợi to lớn để huyện Quỳnh Nhai tổ chức thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trong những năm tiếp theo nhưng cũng đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức cần phải giải quyết.

         Với chủ đề: “Tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh công cuộc đổi mới; đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh, phấn đấu trở thành huyện phát triển khá trong tỉnh”. Trong nhiệm kỳ (2015 - 2020), được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, Ủy ban nhân dân tỉnh; sự tạo điều kiện, phối hợp, giúp đỡ của các sở, ban, ngành của tỉnh cùng với nỗ lực phấn đấu quyết tâm vượt khó của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện. Cơ cấu kinh tế  của huyện tiếp tục chuyển dịch tích cực; kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được quan tâm đầu tư; tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội; làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe, nâng cao trình độ dân trí và cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. Trong đó có việc đảm bảo phát triển sản xuất, ổn định đời sống cho 4.942 hộ dân tái định cư dự án Thủy điện Sơn La di chuyển nội huyện và trên 1.000 hộ dân sở tại bị ảnh hưởng do bị thu hồi đất sản xuất. Công tác cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo và đạt được những kết quả quan trọng; chính trị xã hội ổn định; quốc phòng an ninh được tăng cường; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng và đạt được kết quả tích cực; sức mạnh đại đoàn kết dân tộc tiếp tục được phát huy; huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở quyết tâm phấn đấu thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo giữ vững quốc phòng an ninh, làm tốt công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX nhiệm kỳ (2015 - 2020) đặt ra, đưa huyện Quỳnh Nhai vươn lên thoát nghèo giai đoạn (2018 - 2020).

 Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai lần thứ XX nhiệm kỳ (2015 - 2020) đã đặt ra 6 nhóm mục tiêu cụ thể đó là: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Tăng cường công tác dân vận, phát huy dân chủ, tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tranh thủ, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về tăng trưởng kinh tế bền vững, về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, đảm bảo các vấn đề về xã hội, môi trường, khai thác, sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, trọng tâm là phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, bền vững; từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân; xây dựng xã hội ổn định, phát triển, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; đảm bảo quốc phòng an ninh. Tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La; Chương trình xây dựng Nông thôn mới; Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và các chương trình mục tiêu quốc gia khác nhằm thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đối với nông nghiệp, nông dân.  Không ngừng nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước thuộc mọi lĩnh vực, nhất là lĩnh vực quản lý đất đai, tài chính ngân sách, quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường đảm bảo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Làm tốt công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên; tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học ở tất cả các bậc học; tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Từng bước loại bỏ phong tục tập quán lạc hậu đồng thời giữ gìn, phát huy nét đẹp bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện.  Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở; giảm dần các vấn đề bức xúc xã hội, đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm.

         Đồng chí Nguyễn Văn Thu, Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Quỳnh Nhai cho biết:

(Có thể khẳng định nhiệm vụ đặt ra cho Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai trong nhiệm kỳ 2015 -2020 là hết sức nặng nề đồng thời với việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở thì cả hệ thống chính trị còn phải tập trung cao cho thực hiện nhiệm vụ công tác tái định cư dự án thủy điện Sơn La trên địa bàn huyện có một nhiệm vụ rất quan trọng đó là ổn định sản xuất, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân vùng tái định cư dự án thủy điện Sơn La nói riêng và nhân dân trên địa bàn toàn huyện nói chung song với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai đã thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng đảng trên địa bàn huyện đã được Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX nhiệm kỳ 2015 - 2020 đặt ra, trong đó có một số kết quả nổi bật như sau: Thứ nhất là đã thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh từ huyện đến cơ sở, giữ vững ANCT, trật tự ATXH trên địa bàn toàn huyện. Thứ hai đã hoàn thành xong công tác giao đất tái định cư, công tác quyết toán nguồn vốn được giao. Giải quyết kịp thời triệt để, rốt ráo các đơn thư, kiến nghị, phản ánh của nhân dân liên quan đến việc thực hiện chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư dự án thủy điện Sơn La trên địa bàn huyện, đã tìm được hướng đi cách làm phù hợp trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế , phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân tái định cư dự án thủy điện Sơn La nói riêng, nhân dân trên địa bàn toàn huyện nói chung đã hoàn thành được mục tiêu của dự án đó là người dân đến nơi ở mới phải có cuộc sống bằng và hơn nơi ở cũ. Thứ ba đã hoàn thành mục tiêu đưa huyện Quỳnh Nhai vươn lên thoát nghèo giai đoạn 2018 – 2020 theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện QN khóa XX nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã đề ra. Toàn huyện đến hết năm 2020 sẽ có được 6/11 xã đạt chuẩn Nông thôn mới theo quyết định của tỉnh).

       Đóng góp lớn nhất và cũng để lại nhiều dấu ấn nhất làm nên bước phát triển vượt bậc này đó là lĩnh vực kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, đúng định hướng; các tiềm năng lợi thế của địa phương được khai thác tốt, phát huy được nội lực bằng nhiều cơ chế phù hợp tạo động lực thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển; chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, đạt hiệu quả cao. Giá trị bình quân trên 1 ha đất canh tác đạt khoảng 25,2 triệu đồng tăng 22,3% so với năm 2015. Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt gần 115 nghìn tấn vào năm 2020, lương thực bình quân đầu người đạt 387 kg/người/năm. Tổng thu ngân sách giai đoạn (2016 - 2020) ước thực hiện 2.657,8 tỷ đồng, trong đó thu trên địa bàn huyện đạt trên 281,03 tỷ đồng.

         Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp huyện Quỳnh Nhai đã phát huy tiềm năng lợi thế, điều kiện tự nhiên, phát triển các mô hình nông nghiệp chất lượng, hiệu quả kinh tế cao điển hình như mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc trong những năm qua được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Diện tích, sản lượng tăng qua từng năm theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay toàn huyện có trên 1.250 ha diện tích cây ăn quả với sản lượng ước đạt trên 15.500 tấn. Đối với huyện Quỳnh Nhai, mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc đang trở thành bước đi đúng đắn theo chủ trương, định hướng của tỉnh trong phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai đã thực hiện tốt Kết luận số 121 của Tỉnh ủy Sơn La về chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc đến năm 2020. Nghị quyết số 28 ngày 15/3/2017 của HĐND tỉnh quy định hỗ trợ cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 37 và Nghị quyết số 80 của HĐND tỉnh về thông qua Đề án phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; Nghị quyết số 76 ngày 4/4/2018 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2021...Chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc như làn gió mới làm thay đổi những nhận thức của nông dân và các cấp, các ngành trong huyện. Thống nhất chủ trương, huyện Quỳnh Nhai đã bắt tay triển khai tổ chức thực hiện, tích cực tuyên truyền để chủ trương sớm đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân phát huy sáng kiến, mạnh dạn đầu tư cho sản xuất, quyết tâm chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu, vươn lên làm giàu. Những gương nông dân điển hình về phát triển sản xuất ngày càng nhiều và được cổ vũ kịp thời, tạo nên sức sống mới ở nhiều nơi. Bên cạnh công tác tuyên truyền, tại các xã, Ban thường vụ huyện ủy đã rà soát cụ thể diện tích trồng cây lương thực trên đất dốc, cây công nghiệp trên địa bàn xây dựng kế hoạch chuyển đổi sang trồng cây ăn quả có trọng điểm và lộ trình phù hợp với diện tích hợp lý; phối hợp với các ngành của tỉnh đề xuất chủ trương, chính sách triển khai thực hiện. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất các loại cây trồng để tập trung hỗ trợ đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến, tiêu thụ. Cũng nhờ việc tuyên truyền rộng rãi, phổ biến mô hình, cách làm hay, hiệu quả tuyên truyền rõ nét được thể hiện trong nhận thức của doanh nghiệp, các hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân, dẫn đến hành động thực tiễn là làm thay đổi phương thức sản xuất của một bộ phận người dân từ sản xuất nhỏ, manh mún dần hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với thị trường tiêu thụ.

       Ông Lò Văn Khặn, Giám đốc Hợp tác xã thủy sản Chiềng Bằng, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai:

“Chúng tôi tận dùng nguồn nước hồ thủy điện Sơn La đến năm 2012 chúng tôi đã thành lập hợp tác xã để nuôi trồng thủy sản, từ trước có 18 thành viên, tổng lồng cá có 281 lồng cá đến thời điểm bây giờ thì có 46 thành viên và tổng lồng cá có 962 lồng , chúng tôi cũng bàn bạc, thống nhất mua loại giống cá phù hợp với môi trường của nước, đến nay các phát triển tốt. Các của hợp tác xã bán trong tỉnh Sơn La và tỉnh Điện Biên, Lai Châu và huyện Mường La thường xuyên nhập các của chúng tôi. Giá thành các trắm trung bình là mỗi kg cá 70 nghìn đồng/kg, cá lăng theo loại, loại 1,5kg-2kg chúng tôi bán 80 nghìn, loại 3 kg trở lên chúng tôi bán 120 nghìn theo thị trường. Thu nhập của các thành viên hợp tác xã, mỗi thành viên tren 50 triệu đồng/năm/một thành viên”.

        Huyện Quỳnh Nhai cũng chú trọng xây dựng thương hiệu, triển khai chương trình kết nối giữa các doanh nghiệp, HTX sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nông sản, phát triển các chuỗi sản xuất,tiêu thụ sản phẩm nông sản. Chăn nuôi gia súc phát triển mạnh; định hướng nuôi gia súc nhốt chuồng gắn với trồng cỏ tiếp tục được nhân diện đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn của huyện. Huyện cũng tích cực triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” gọi tắt là chương trình OCOP. Đây được xem là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển, tạo ra ít nhất tại mỗi xã một hoặc nhiều sản phẩm chủ lực, có lợi thế so sánh, tiến tới xây dựng thương hiệu, liên kết mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực. Với huyện Quỳnh Nhai, chương trình này cũng đang được đặt nhiều kì vọng, sẽ thổi luồng gió mới góp phần đổi thay đời sống nhân dân, góp sức đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nông thôn mới và  mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương. Hiện nay, khi huyện Quỳnh Nhai đang trong quá trình phát triển du lịch và dịch vụ, sẽ có rất nhiều lợi thế và triển vọng khi áp dụng chương trình mỗi xã một sản phẩm. Qua rà soát đã có không ít sản phẩm mang tính đặc trưng vùng miền như các sản phẩm từ cá sông Đà, sản phẩm Chanh leo, Su su của xã Chiềng Khay, Sa Nhân xã Mường Giàng, Chuối Mường Giôn, Nếp tan Chiềng Khoang…Đây đều là các sản phẩm có giá trị kinh tế, giá trị thương mại cao và có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP trong tương lai gần.

         Ngay từ những ngày đầu triển khai chương trình, huyện đã thành lập Tổ tư vấn OCOP cấp huyện. Từ đó, tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến đội ngũ cán bộ, nhân dân nắm chắc mục tiêu, ý nghĩa của chương trình tạo sự thống nhất trong chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời tổ chức các hội nghị, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị, lập và triển khai quy hoạch vùng sản xuất hàng hoá nông nghiệp tập trung của huyện; lựa chọn các sản phẩm và tiến hành xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất. Hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm cũng được huyện chú trọng. Địa phương đã tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các sản phẩm được tham gia trưng bày, quảng bá và giới thiệu các hội nghị và Tuần văn hóa thể thao và du lịch của huyện.

         Trong tiến trình thực hiện Chương trình OCOP, mỗi xã tùy theo điều kiện cụ thể về tiềm năng, lợi thế riêng để lựa chọn những sản phẩm độc đáo xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho người dân. Huyện Quỳnh Nhai sẽ tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm làng nghề mang tính đặc trưng, nổi tiếng, có lợi thế cạnh tranh, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, phục vụ khách du lịch. Đồng thời sẽ mở rộng tất cả các sản phẩm truyền thống có tiềm năng phát triển thành hàng hóa. Huyện cũng tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong việc triển khai thực hiện OCOP Quỳnh Nhai cho cán bộ và nhân dân hiểu được tầm quan trọng, ý nghĩa của chương trình. Đồng thời đưa Chương trình OCOP vào Nghị quyết của cấp ủy, chính quyền các cấp để có kế hoạch triển khai cụ thể, phù hợp. Trước mắt, huyện Quỳnh Nhai sẽ chọn sản phẩm nổi bật để phát triển trước rồi từng bước nhân rộng, tiếp đó sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng, vận động các doanh nghiệp, cơ sở, làng nghề tập trung sản xuất sản phẩm chất lượng, đăng ký nhãn hiệu và quảng bá thương hiệu…Qua đó nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc phát triển mô hình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn. Trong năm 2019, huyện Quỳnh Nhai có 02 sản phẩm là cá tép dầu sông Đà của HTX Thái Tuấn và sản phẩm nước mắm Thu Hải được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đánh giá xếp hạng đạt từ 3 - 4 sao.

         Sau khi Thủy điện Sơn La hoàn thành và đi vào hoạt động, đã tạo tiềm năng về diện tích mặt nước rất lớn với trên 10.500 ha, phù hợp cho việc nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Tận dụng lợi thế này, người dân vùng lòng hồ thủy điện Sơn La đã chuyển hướng sản xuất sang nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Đây là một ngành nghề mới, bước đầu mang lại hiệu quả, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế đồng thời cũng tháo gỡ được khó khăn về áp lực thiếu đất sản xuất nông nghiệp, vấn đề về giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống nhân dân sau tái định cư thủy điện Sơn La. Thông qua việc huy động mọi nguồn lực, đến nay toàn huyện đã thành lập được 46 HTX thủy sản với gần 7.000 lồng cá, sản lượng nuôi trồng đánh bắt hàng năm ước đạt khoảng 2.300 tấn, giá trị thu nhập bình quân trên 01 lồng đạt từ 20 - 30 triệu đồng. Đặc biệt trong năm 2019 huyện Quỳnh Nhai có 10 HTX và 01 doanh nghiệp được trao quyền sử dụng giấy chứng nhận thương hiệu Cá sông Đà do Cục sở hữu trí tuệ Bộ khoa học và công nghệ cấp phép. Đây có thể được coi là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, đưa thương hiệu cá sông Đà đáp ứng được yêu cầu về chất lượng theo quy định. Bên cạnh đó việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã tạo ra các sản phẩm an toàn, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, khai thác được tiềm năng đặc thù, phát triển và quảng bá sản phẩm cá sông Đà. Đặc biệt đã triển khai thành công mô hình sản xuất nước mắm từ cá nước ngọt, quy mô 2.000 lít/năm, được hội đồng khoa học cấp tỉnh đánh giá cao.

         Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện nhà có nhiều dấu hiệu khởi sắc, nhất là công nghiệp đóng mới, sửa chữa tàu thuyền phục vụ vận tải hàng hóa, hành khách và công nghiệp khai thác vật liệu xây dựng. Thương mại, dịch vụ cơ bản đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng; tăng cường công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, hạn chế được tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ được quan tâm đầu tư đã góp phần đẩy mạnh được các hoạt động kết nối giao thương hàng hóa trên địa bàn. Trong giai đoạn (2016 - 2020) toàn huyện đã triển khai 172 dự án đầu tư xây dựng từ nhiều nguồn vốn, góp phần từng bước đồng bộ kết cấu hạ tầng nông thôn. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn (2015 - 2020) ước thực hiện 3.382,9 tỷ đồng. Đến nay 11/11 xã đã có đường ô tô được cứng hóa; 100% các bản được đầu tư công trình điện sinh hoạt, lớp học cắm bản và cứng hóa các tuyến đường giao thông đến bản. Năm 2017 Huyện Quỳnh Nhai được UBND tỉnh Sơn La công nhận đô thị loại V.

        Là một trong những huyện nghèo thuộc Nghị quyết số 30a/2008 của Chính phủ, năm 2010, Quỳnh Nhai bước vào thực hiện xây dựng Nông thôn mới với xuất phát điểm rất thấp, địa hình chia cắt mạnh; sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún; thu nhập bình quân đầu người thấp; đời sống nhân dân khu vực nông thôn còn gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo cao.

        Trước những khó khăn đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chủ động ban hành nghị quyết, xây dựng kế hoạch hành động trong xây dựng Nông thôn mới. Ban Chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới đã được thành lập từ cấp huyện xuống xã, thôn với quy chế hoạt động rõ ràng, trong đó phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách, chỉ đạo từng lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ chuyên ngành cụ thể. Theo đó, Quỳnh Nhai tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng; sử dụng linh hoạt nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia trong việc hỗ trợ cây con giống, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp cho người dân. Để xây dựng Nông thôn mới bền chắc, những năm qua, huyện Quỳnh Nhai tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng. Đồng thời, khai thác tiềm năng lợi thế của huyện trong việc phát triển thủy sản gắn với du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện Sơn La, như: Mô hình du lịch cộng đồng ở bản Bon, xã Mường Chiên; du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện Sơn La…Qua đó, đã từng bước giảm dần tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện, mức sống của người dân ngày một được nâng cao.

         Bên cạnh đó, các phong trào thi đua trong thực hiện Chương trình được Quỳnh Nhai triển khai một cách bài bản từ huyện đến cơ sở. Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành kế hoạch và tổ chức phát động phong trào thi đua "Toàn dân chung sức xây dựng Nông thôn mới" đến các cấp, các ngành, đoàn thể, ký giao ước thi đua với UBND các xã. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, xã triển khai hưởng ứng phong trào thi đua "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" đến toàn thể cán bộ, hội viên và nhân dân. Hội Liên hiệp phụ nữ cấp huyện, xã phát động phong trào thi đua hưởng ứng cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" đến tất cả hội viên và chị em phụ nữ trên địa bàn.

         Sau hơn 10 năm xây dựng Nông thôn mới, trong đó để làm đường giao thông nông thôn, người dân Quỳnh Nhai đã đóng góp hơn 890.000 ngày công; trên 59 tỷ đồng tiền mặt; hiến trên 28 nghìn m2 đất và hàng nghìn cây cối phục vụ xây dựng Nông thôn mới. Các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đóng góp hơn 370 triệu đồng. Tổng nguồn vốn huy động để thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai là 502 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương trên 291 tỷ đồng; ngân sách địa phương 143 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 67 tỷ đồng.

         Với những cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế địa phương đến nay huyện Quỳnh Nhai có 5 xã Mường Giàng, Chiềng Bằng, Mường Chiên, Pá Ma Pha Khinh và Chiềng Khoang đạt chuẩn Nông thôn mới.  Các xã còn lại đạt từ 6 - 14 tiêu chí. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 48% năm 2010 xuống còn 16% năm 2019. Đặc biệt, năm 2018 huyện Quỳnh Nhai đã ra khỏi danh sách các huyện nghèo thuộc Nghị quyết 30a của Chính phủ và từng bước vươn mình phát triển.

        Đồng chí Lường Thị Duyên, Bí thư Đảng ủy xã Mường Giàng,  huyện Quỳnh Nhai, Sơn La

    “Từ năm 2015 đến nay, tiếp tục với sự đoàn kết nỗ lực phấn đấu của cấp ủy Đảng chính quyền và sự đồng thuận của bà con nhân dân thì xã đã luôn duy trì và giữ vững được các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Về kinh nghiệm, trước hết là sự nhiệt huyết của toàn thể cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt phải có sự đồng thuận của bà con nhân dân. Để có sự đồng thuận của bà con nhân dân xã đã tuyên truyền vận động cho bà con hiểu được để ý nghĩa tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới và từ đó đến nay thì đối với bà con nhân dân xã Mường Giàng luôn đồng thuận và đoàn kết để cùng nhau chung tay xây dựng nông thôn mới. Xã cũng không chỉ dừng lại ở việc xây dựng nông thôn mới mà hiện nay xã đang tiếp tục là xây dựng là xã đạt chuẩn nông thôn mới theo tiêu chí nâng cao và tập trung vào việc là phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo làm nâng cao đời sống tăng thu nhập cho bà con nhân dân. Phát động các phong trào thi đua xây dựng cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp, làm sao giữ được các tiêu chí để xây dựng nông thôn mới; giữ vững được đảm bảo về quốc phòng an ninh và cố gắng nỗ lực phấn đấu đưa ra các chỉ tiêu trong nhiệm kỳ (2020 - 2025) là xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới theo tiêu chí nâng cao. Hiện nay thì là đối với Đảng bộ xã Mường Giàng đang tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, lựa chọn 01 bản, xóm làm điểm để xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí nâng cao kiểu mẫu”.

    Kinh tế phát triển đã tạo nguồn lực giúp huyện nhà đẩy mạnh phát triển phong trào văn hóa, xã hội, cùng với đó công tác bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm, đời sống của nhân dân, nhất là các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn không ngừng được cải thiện và nâng cao. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo có bước phát triển toàn diện cả về quy mô, loại hình, số lượng trường lớp, chất lượng dạy và học. Đến nay toàn huyện có 38 đơn vị trường học, trong đó có 17 trường  đạt chuẩn Quốc gia. 11/11 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi; tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi đạt 96,5%; 100% cán bộ, quản lý, giáo viên và nhân viên ngành giáo dục có trình độ chuẩn và trên chuẩn. Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân có nhiều tiến bộ. Các chương trình quốc gia về y tế được thực hiện tốt. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đầu tư cho y tế được tăng cường, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Đến hết năm 2019, toàn huyện có 8/11 xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế; 11/11 trạm y tế xã có bác sĩ, đạt tỷ lệ 8,8 bác sỹ/1 vạn dân. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng  giảm từ 21% năm 2015 xuống còn 16% năm 2019. Tỷ lệ che phủ bảo hiểm y tế đạt 95,99%, tăng 1,2% so với chỉ tiêu được giao.

    Văn hóa, thể thao có bước phát triển vượt bậc, đời sống tinh thần người dân nông thôn được nâng cao. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được tăng cường. Bình quân mỗi năm giải quyết việc làm mới cho 14.033 lao động.  Các chính sách an sinh xã hội đối với người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội được quan tâm và thực hiện tốt; huy động các nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo cải thiện và ổn định cuộc sống. Quốc phòng được củng cố, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội bảo đảm và ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế  xã hội.

Với chủ trương phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, gắn với phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, huyện Quỳnh Nhai đã tập trung triển khai thực hiện các chính sách thu hút đầu tư; ưu tiên phát triển du lịch theo hướng đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.

Để phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, cùng với làm tốt công tác quy hoạch, huyện Quỳnh Nhai đã quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, khai thác hiệu quả thế mạnh về khí hậu, cảnh quan, văn hóa dân tộc. Trong đó, tập trung thực hiện tốt công tác bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, khôi phục các lễ hội truyền thống; đầu tư xây dựng các khu du lịch, hệ thống nhà nghỉ, khách sạn và các công trình dịch vụ du lịch. Huyện đã phục dựng và tổ chức thành công Lễ hội truyền thống như: Lễ hội đua thuyền truyền thống vào ngày mùng 10 tháng giêng hàng năm; Lễ hội Gội đầu của dân tộc Thái; Lễ hội "Kin Pang then" của dân tộc dòng Thái Trắng; Lễ hội “Kin Pang ả” của dân tộc Kháng; Lễ hội “Xên bản, xên mường”của dân tộc Thái; Lễ cấp Sắc của dân tộc Dao Đỏ…Đặc biệt trong năm 2019 huyện Quỳnh Nhai được Bộ trưởng bộ văn hóa thể và du lịch trao giấy chứng nhận Nghi lễ gội đầu của người Thái trắng huyện Quỳnh Nhai được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Bên cạnh các lễ hội truyền thống huyện Quỳnh Nhai đang mở rộng các loại hình du lịch như: Du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng. Huyện đang triển khai thực hiện các chính sách thu hút đầu tư trên địa bàn trong lĩnh vực du lịch; cho phép triển khai xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng tại 4 xã Chiềng Ơn, Pá Ma Pha Khinh, Mường Chiên, Mường Giàng với mục tiêu hình thành khu nghỉ dưỡng ven hồ, nghỉ dưỡng cuối tuần gắn với cảnh quan thiên nhiên mặt nước, núi rừng, bản làng dân tộc.

Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống, tài nguyên thiên nhiên, huyện Quỳnh Nhai đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh xúc tiến du lịch, vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư phát triển du lịch. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy để hỗ trợ phát triển du lịch, nâng cao khả năng kết nối giao thông tới các điểm du lịch, các bản du lịch cộng đồng. Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, các khu giải trí chất lượng cao tại các điểm du lịch; nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch theo hướng hiện đại; gắn với phát huy các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của các dân tộc. Thực hiện hỗ trợ, hướng dẫn tạo điều kiện cho các bản và các hộ gia đình tham gia phát triển du lịch cộng đồng; hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch; hỗ trợ đào tạo, tập huấn kỹ năng nghề du lịch cho các hộ kinh doanh du lịch, cộng đồng bản làm du lịch cộng đồng. Duy trì và phát triển nghề truyền thống, các sản phẩm nông nghiệp bản địa để đa dạng hóa các sản phẩm lưu niệm phục vụ khách tham quan, du lịch. Huyện đang tập trung thực hiện tốt các giải pháp khai thác hiệu quả tiềm năng, phát triển du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân.

         Đến nay, hoạt động du lịch trên địa bàn đã có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế và chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp của huyện, hình thành nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch tại các điểm có tiềm năng du lịch, thu hút đông lượng khách du lịch trong nước và quốc tế. Năm 2019, huyện Quỳnh Nhai đón 118.000 lượt khách du lịch, trong đó 3.000 lượt khách du lịch quốc tế; doanh thu từ du lịch đạt trên 50 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

         Công tác quốc phòng an ninh luôn được tăng cường và củng cố. Gắn phát triển kinh tế xã hội với công tác quốc phòng an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân. Tập trung xây dựng lực lượng vũ trang huyện vững mạnh toàn diện, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Tổ chức diễn tập chiến đấu trị an, chiến đấu phòng thủ được 19 cuộc; diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng được 6 cuộc; diên tập phòng chống lũ bão, cứu hộ, cứu nạn được 5 cuộc. Hàng năm luôn hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển chọn và gọi công dân lên đường nhập ngũ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống. Làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo vệ hệ thống chính trị, môi trường đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh của nhân dân. Công an huyện Quỳnh Nhai đã mở nhiều đợt tấn công trấn áp các loại tội phạm, xử lý nhiều đối tượng mua bán, sử dụng chất ma túy, trộm cắp, không còn tụ điểm, đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, không có hoạt động của tội phạm mang tính chất xã hội đen, tín dụng đen. Đã phát hiện, điều tra làm rõ 95,7% các vụ phạm pháp hình sự; 100% các vụ trọng án đều được điều tra làm rõ, kéo giảm tỷ lệ tội phạm hình sự theo hàng năm.

Xác định xây dựng Đảng là khâu then chốt, công tác xây dựng và củng cố hệ thống chính trị luôn được Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai chú trọng, làm tốt; xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, củng cố niềm tin và sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ở Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên cả 3 nội dung: Chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và xác định thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên được nâng lên. Đặc biệt Huyện ủy đã ban hành kế hoạch số 154 ngày 29/6/2018 về tổ chức sinh hoạt đầu tuần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác đến 100% tổ chức cơ sở Đảng. Qua triển khai thực hiện, đã nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị.

         Hiện nay, Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai có 33 chi bộ, Đảng bộ cơ sở Đảng trực thuộc Đảng bộ huyện với trên 5.000 Đảng viên. Trong nhiệm kỳ đã chọn cử đào tạo cao cấp lý luận chính trị cho 17 cán bộ; 25 cán bộ đi học thạc sĩ; 01 cán bộ đào tạo tiến sĩ; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trung cấp lý luận chính trị hành chính cho 215 cán bộ; mở 102 lớp với 5.854 học viên. Kết nạp Đảng cho 1.100 quần chúng ưu tú.  Trong nhiệm kỳ các cấp ủy và ủy ban kiểm tra toàn Đảng bộ huyện đã tiến hành kiểm tra 197 cuộc đối với 69 đảng viên, 128 tổ chức Đảng; giám sát chuyên đề 184 cuộc đối với 82 Đảng viên, 102 tổ chức Đảng; thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với 90 đảng viên. Quá trình kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật đã chú trọng đảm bảo nguyên tắc thẩm quyền theo các quy trình, quy định hiện hành của Đảng; không có khiếu nại kỷ luật Đảng phải giải quyết.

         Tổ chức bộ máy các cơ quan quản lý nhà nước từng bước được kiện toàn theo định hướng hiệu lực, hiệu quả; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị trình độ chuyên môn , ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. công tác cải cách thủ tục hành chính đã đạt được những kết quả quan trọng, tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy. Hiện nay đã cơ bản giảm được 80% lượng văn bản giấy trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, giảm được 70% thời gian công dân phải chờ làm thủ tục hành chính. Đăng tải toàn bộ 330 thủ tục hành chính trong đó có 21 thủ tục hành chính có thể gửi trực tiếp hồ sơ trực tuyến mức độ 3. Kết quả năm 2018 chỉ số cải cách hành chính của huyện đứng thứ 6/12 huyện thành phố; chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân xếp thứ 3/12 huyện thành phố trong tỉnh. Huyện đã thực hiện xong việc sáp nhập, giải thể các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 18, 19 ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; giảm 02 cơ quan hành chính; giảm 01 ban của HĐND huyện; giảm 3 đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp, văn hóa; giải thể 01 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX huyện; sáp nhập 22 đơn vị trường học thành 11 trường; sáp nhập 155 bản thành 68 bản, sau nháp nhập giảm 87 bản.

Tổ chức 53 buổi đối thoại với 1.091 người tham dự để giải quyết các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại của công dân đặc biệt đối với các vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Tổng số đơn đã tiếp nhận giai đoạn (2016 - 2020) là 1.912 đơn; UBND huyện đã giải quyết hơn 1.900 đơn kiến nghị, phản ánh của công dân.

         Đồng chí Nguyễn Văn Thu, Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Quỳnh Nhai cho biết:

         (Nhiệm vụ nhiệm kỳ tới của Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai đó là: nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ. Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc. Đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo giữ vững quốc phòng an ninh và phấn đấu huyện Quỳnh Nhai đạt chuẩn Nông thôn mới với mục tiêu xuyên suốt đó là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện trong đó tập trung vào ba khâu đột phá trọng yếu. Thứ nhất chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong đó lấy kinh tế nông nghiệp làm khâu đột phá trong chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng để đem lại giá trị, hiệu quả cao trong phát triển sản xuất. Thứ hai từng bước đưa du lịch của huyện Quỳnh Nhai trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của du lịch Sơn La. Thứ ba đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực quản lý trong hệ thống chính trị gắn với việc đào tạo, bồi dưỡng lực lượng lao động phổ thông để có đủ trình độ tham gia vào hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong và ngoài nước).

         Đại hội Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai lần thứ XXI nhiệm kỳ (2020 - 2025) sẽ kế thừa thành tựu hơn 30 năm đổi mới của đất nước, phát huy truyền thống anh hùng và sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, ý chí tự lực tự cường và sức sáng tạo của nhân dân các dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Quỳnh Nhai quyết tâm nỗ lực phấn đấu dành nhiều thành tích, tranh thủ thời cơ, vượt qua mọi khó khăn thách thức, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, phát huy lợi thế để phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đưa huyện Quỳnh Nhai trở thành huyện Nông thôn mới của tỉnh Sơn La./..

                                                Đình Hải -Trung tâm TTVH 

 

Tác giả: ​Đình Hải
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập