ĐẢNG BỘ, CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN CÁC DÂN TỘC XÃ CHIỀNG BẰNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ XÃ LẦN THỨ XXII, NHIỆM KỲ 2020-2025
Hướng dẫn công tác phòng, chống nắng nóng cho vật nuôi
Lượt xem: 289
Công tác phòng chống, nắng nóng bảo vệ cho vật nuôi trong mùa nắng nóng là hoạt động cần thiết, quan trọng nhằm bảo vệ an toàn duy trì hoạt động bình thường cho vật nuôi. Người chăn nuôi cần thực hiện tốt và đồng bộ các giải pháp sau: 

1. Thường xuyên cập nhật bản tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương, tích cực chăm sóc đàn vật nuôi để tăng khả năng chống chịu đối với tác động do thay đổi lớn về thời tiết, khí hậu cũng như có biện pháp chủ động phòng chống nắng nóng hiệu quả.

2. Chuồng trại - Chuồng nuôi:

- Đảm bảo cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát, thích hợp với từng đối tượng vật nuôi. Phủ lá cọ, rơm, trồng cây dây leo, …lên mái chuồng để chống nóng trực tiếp. Những ngày nắng, nóng phun nước lên mái chuồng, phun sương trong chuồng nuôi và bố trí đủ quạt điện để quạt mát, tránh làm tăng độ ẩm trong chuồng nuôi.

- Chuẩn bị đầy đủ phên, lưới chống nóng, bạt để chủ động che chắn chống nắng và chống mưa tạt gió lùa vào chuồng nuôi.

- Khơi thông rãnh thoát nước thải và xử lý chất thải theo đúng quy định. Trong chăn nuôi lợn và trâu bò: Thu gom, chuyển phân, chất thải ra khỏi chuồng hàng ngày và đưa vào nơi ủ riêng.

- Đối với các trang trại chăn nuôi công nghiệp, quy mô lớn chủ động nguồn cung cấp điện, nước để đảm bảo phục vụ sản xuất.

- Trồng cây xung quanh khu vực chuồng nuôi tạo bóng mát.

3. Chế độ chăm sóc nuôi dưỡng

3.1. Thức ăn, nước uống

- Tăng cường thức ăn giàu đạm; giảm tinh bột, chất béo trong khẩu phần. Những đợt nắng nóng kéo dài chú ý chia khẩu phần cho ăn nhiều bữa, cho ăn vào lúc sáng sớm, chiều mát và buổi tối, hạn chế cho ăn vào buổi trưa. Những ngày nắng nóng, tăng cường khẩu phần thức ăn xanh.

- Cung cấp đủ nước sạch, mát có bổ sung chất điện giải và bổ sung các loại vitamin đặc biệt là Vitamin C cho gia súc, gia cầm uống để tăng sức đề kháng và giải nhiệt.

3.2. Mật độ chăn nuôi

- Đối với gia cầm: nuôi nhốt với mật độ vừa phải như: gà úm: 50-60con/m2 , gà 0,5-1kg nhốt 12-30con/ m2 , gà 2-3kg nhốt 7-10 con/ m2 . Nếu nóng quá có thể thả ra vườn, gốc cây quanh chuồng. Đối với gà đẻ tránh nuôi quá béo bằng cách giảm bớt năng lượng trong khẩu phần, cho ăn thêm rau xanh, cho ăn cám chất lượng tốt.

- Đối với lợn: Mật độ nuôi nhốt đối với nái 3-4m2 /con, lợn thịt là 2m2 /con. 3.3. Quản lý vật nuôi - Đối với trâu, bò, lợn mùa nắng nóng nên tắm chải cho gia súc 2-3 lần/ngày để làm giảm nhiệt cho cơ thể và phòng, chống các bệnh ngoài da. Thời gian chăn thả gia súc: buổi sáng từ 6-9 giờ sáng, buổi chiều chăn thả muộn từ 16-18h chiều. Những ngày nắng nóng, thời điểm nhiệt độ thường cao nhất là từ 12 giờ đến 16 giờ trong ngày, không chăn thả và cho trâu, bò nghỉ làm việc, nhốt tại chuồng hoặc tại các khu vực có bóng mát, cây xanh.

- Tăng cường vệ sinh, tẩy uế chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi, định kỳ phun thuốc sát trùng, tiêu độc để chống ve, mòng, ruồi, muỗi, bọ mạt ... là những tác nhân truyền và gây bệnh trong mùa hè.

- Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình trạng của đàn vật nuôi, phát hiện gia súc, gia cầm ốm, bị bệnh để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời; đặc biệt là với các bệnh đường tiêu hoá, hô hấp và các bệnh truyền nhiễm. Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin để phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

4. Đối với các ao đang nuôi thủy sản

- Duy trì mực nước trong ao trên 1,5 m để hạn chế sự biến động của nhiệt độ, pH nước ao nuôi.

- Hạn chế đánh bắt, san thưa, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng, thời điểm nắng nóng trong ngày. Khi đánh bắt và vận chuyển cá, tôm phải tiến hành vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.

- Sử dụng máy bơm nước trong những ngày nắng nóng để tránh hiện tượng phân tầng nước. Tăng cường máy quạt nước vào ban đêm, đặc biệt từ 2h đến 4h sáng để tăng hàm lượng oxy trong ao để tránh thiếu oxy vào ban đêm và sáng sớm do tảo phát triển mạnh khi nắng nóng kéo dài.

- Nắng nóng kéo dài, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch lớn có thể làm cá, tôm yếu, sức đề kháng giảm, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh xâm nhập và gây hại. Do đó cần bổ sung Vitamin C vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá với liều lượng 3g/kg thức ăn, đồng thời phòng bệnh cho cá bằng cách định kỳ bón vôi bột từ 2 - 3 lần/tháng, khối lượng vôi bón từ 5 - 7 kg/100 m3 /lần.

- Cho cá, tôm ăn vào sáng sớm và chiều mát. Khi nhiệt độ nước trên 35 oC thì giảm lượng thức ăn xuống còn 1/3 so với bình thường. Ngừng cho cá, tôm ăn ở những thời điểm nhiệt độ nước trên 39 - 40 oC.

5. Đối với nuôi cá lồng

- Thường xuyên vệ sinh lưới lồng nuôi sạch sẽ, thông thoáng để lưu thông nước trong và ngoài lồng nhằm tăng hàm lượng oxy trong nước, cải thiện chất lượng nước giúp cá nuôi mau lớn.

- Khi mực nước trên sông/hồ giảm cần hạ thấp lồng nuôi hoặc di chuyển lồng nuôi đến nơi có mực nước sâu để đảm bảo độ sâu lồng nuôi luôn ở mức 2,5 đến 3m nhằm giảm sự tác động của nhiệt độ.

- Tăng cường sức đề kháng cho cá nuôi bằng cách bổ sung Vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa, tinh dầu tỏi vào thức ăn cho cá với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Cho cá ăn vào sáng sớm và chiều mát. Khi nhiệt độ nước trên 35 oC thì giảm lượng thức ăn xuống còn 1/3 so với bình thường. Ngừng cho cá ăn ở những thời điểm nhiệt độ nước trên 39 - 40 oC.

 - Tiến hành thu tỉa khi cá nuôi đạt kích cỡ thu hoạch để giảm mật độ nuôi trong lồng. Hạn chế đánh bắt, san thưa, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng, thời điểm nắng nóng trong ngày.

- Khi có hiện tượng cá chết, cơ sở phải thu gom xác cá chết và đưa vào bờ xử lý theo quy định, tránh tình trạng vứt bừa bãi ra sông/hồ gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh./.

Tác giả: Điêu Quỳnh Nga
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ CHIỀNG BẰNG

Địa chỉ: Bản Bỉa Ban, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai

Email: ubndchiengbang.quynhnhai@sonla.gov.vn